Sau động thái tăng thuế với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ nhắm đến hai nền kinh tế hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Thặng dư thương mại lớn của hai quốc gia này với Mỹ được xem là lý do chính cho quyết định này.
Theo các chuyên gia phân tích, việc áp thuế với hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Tổng thống Trump nhằm xử lý vấn đề thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, động thái này có thể phản tác dụng khi thúc đẩy thương mại nội khối châu Á và gián tiếp có lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Báo cáo mới nhất của Moody’s Analytics ngày 5/2 nhận định: “Cuộc chiến thương mại đang ở giai đoạn khởi đầu, các nền kinh tế phát triển Đông Bắc Á có thể sớm bị cuốn vào vòng xoáy”.
Trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 10/2, Ngân hàng Barclays chỉ ra rằng Hàn Quốc đang áp đặt thuế cao hơn đáng kể đối với hàng hóa Mỹ so với chiều ngược lại. Điều này khiến Seoul trở thành mục tiêu tiềm năng trong chính sách thương mại của ông Trump.
Các dấu hiệu về khả năng tăng thuế với hai nước Đông Á này đã xuất hiện sau tuyên bố của Tổng thống Trump về việc áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Barclays dự báo Mỹ có thể công bố các biện pháp thuế quan mới ngay trong tuần này.
![Sau Trung Quốc, 2 siêu cường châu Á tiếp tục vào tầm ngắm thuế quan của ông Trump - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_12-_screenshot_2025-02-12_114223_mvtl.png)
Đáng chú ý, Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo trong danh sách áp thuế của Mỹ. Theo các nhà kinh tế, với vị thế là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ tư với Mỹ, cùng việc được cho là điểm đến để các nhà đầu tư Trung Quốc hoàn thiện hàng hóa nhằm tránh thuế từ năm 2018, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ chịu các biện pháp trừng phạt thương mại.
Trong bối cảnh Mỹ vừa tăng thêm 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc – quốc gia có thặng dư thương mại 295,4 tỷ USD, các nền kinh tế lớn châu Á khác cũng đang nằm trong tầm ngắm. Nhật Bản và Hàn Quốc, với thặng dư hàng tỷ đô la nhờ xuất khẩu ô tô, chip và máy móc vào thị trường Mỹ, được xem là những mục tiêu tiềm năng.
Tuy nhiên, theo Moody’s Analytics, các thỏa thuận an ninh song phương có thể giúp hai quốc gia này tránh được các biện pháp trừng phạt thương mại. Đặc biệt, Nhật Bản hiện là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, có thể là lá chắn quan trọng. Tương tự, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt trong ngành điện tử.
Ông Nick Marro, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Economist Intelligence Unit, nhận định rằng việc áp thuế có thể là công cụ của ông Trump nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp ô tô và chip từ Đông Bắc Á chuyển về Mỹ, trong đó các thỏa thuận bảo vệ quân sự có thể là một phần của thương lượng.
![Sau Trung Quốc, 2 siêu cường châu Á tiếp tục vào tầm ngắm thuế quan của ông Trump - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-luonghaiyen-2025_02_12-_photol_ggpz.jpg)
Trước tình hình này, Nhật Bản đã có động thái xoa dịu căng thẳng thương mại khi Thủ tướng Shigeru Ishiba gặp Tổng thống Trump tại Washington ngày 7/2. Trong cuộc gặp, ông Ishiba nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Mỹ trong 5 năm liên tiếp.
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tokyo đã bày tỏ cam kết nâng mức đầu tư vào Mỹ lên ngưỡng 1.000 tỷ USD – một động thái được Tổng thống Trump đánh giá cao.
Trong báo cáo ngày 10/2, Morgan Stanley dự báo mức tăng thuế có thể chỉ ở mức “vài phần trăm”. Tuy nhiên, theo Lynn Song, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại tập đoàn tài chính ING của Hà Lan, việc áp thuế với Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có thể vô tình thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các nước này với Trung Quốc.
“Thuế quan thường dẫn đến sự dịch chuyển thương mại sang các khu vực khác, và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc có thể bù đắp một phần thiệt hại từ thị trường Mỹ”, ông Song nhận định.
“Hiện tại, nhiều quốc gia châu Á nhỏ hơn vẫn chưa nằm trong tầm ngắm của các biện pháp thuế quan. Tuy nhiên, nếu Mỹ tập trung vào mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, các nước này có thể sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn”, chuyên gia ING cảnh báo.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)