Chiều 11/2/2025, tại trụ sở chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị khẳng định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chủ trương nhất quán, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta.
Đáng lưu ý, tại hội nghị, một trong những thành tựu của Việt Nam được đề cập đến là việc từng bước làm chủ và phát triển một số công nghệ cốt lõi trong sản xuất, chế tạo như giàn khoan tự nâng, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao giá trị nội địa hóa.

Việt Nam đã thành công trong việc làm chủ công nghệ, chế tạo giàn khoan tự nâng (Ảnh minh họa: Bing)
Kỳ tích công nghệ của Việt Nam
Theo thông tin từ báo điện tử Chính phủ, Tam Đảo 03 là giàn khoan tự nâng đầu tiên được Việt Nam tự chế tạo, với tổng trọng lượng lên đến gần 12.000 tấn, chiều dài chân đế 145m, có khả năng hoạt động ở độ sâu lên đến 107m và khoan sâu tới 6.100m.
Đây được xem là kỳ tích công nghệ của ngành dầu khí, đồng thời khẳng định năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc chế tạo và lắp ráp các sản phẩm cơ khí công nghệ cao. Từ năm 2011 trở về trước, tất cả các giàn khoan của Việt Nam hoặc đang vận hành tại Việt Nam đều được thiết kế và đóng tại nước ngoài.
Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD và được xếp vào hàng dự án cơ khí trọng điểm quốc gia, do Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) – một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đảm nhận vai trò tổng thầu.
Giàn khoan Tam Đảo 03 được khởi công vào tháng 6/2009 và hoàn thành sớm hơn kế hoạch 2 tháng, chính thức đi vào hoạt động ổn định – hiệu quả từ tháng 6/2012 đến nay.
“Ban đầu, dự án giàn khoan Tam Đảo 03 do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư, nhưng phía Nga hoàn toàn không tin tưởng vào tính khả thi cũng như năng lực của công ty. Có nhiều chuyên gia đầu ngành cũng khuyên chúng tôi suy nghĩ lại. Tuy nhiên, sau khi được chúng tôi thuyết phục, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã quyết định đầu tư cho dự án này” – Báo Quân đội nhân dân dẫn lời kỹ sư Phan Tử Giang, người đã gắn bó ngay từ ngày đầu với công trình này cho hay.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03. Ảnh: Tiền Phong
Sau nhiều nỗ lực chế tạo, tam Đảo 03 đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 30% và là giàn khoan đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam, có chức năng khoan thăm dò, sửa chữa giếng và khai thác dầu khí.
Điểm đặc biệt của Tam Đảo 03 là khả năng chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt của biển cả như sóng to, gió lớn, dòng chảy mạnh, hiện tượng ăn mòn và động đất. Đây là công trình mang tính chất kỹ thuật cao, với thiết kế đặc biệt, kích thước lớn và độ phức tạp, yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều lĩnh vực chuyên môn.
Trong quá trình thi công, các kỹ sư đã phải lắp đặt khoảng 9.685 tấn kết cấu, cùng với 1.748 tấn thiết bị và 950 tấn đường ống công nghệ, bao gồm các hệ thống điện tự động hóa, điện và kiến trúc nội thất.
Tuy nhiên, việc sản xuất giàn khoan trong nước đã giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào việc thuê nước ngoài, từ đó tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước.
Từ Tam Đảo 03 đến Tam Đảo 05: Bước bứt phá lớn
Tiếp nối thành công của Tam Đảo 03, theo thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam, PV Shipyard đã tiếp tục làm tổng thầu cho công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) làm chủ đầu tư, khởi công từ ngày 10/12/2013.
Ngày 4/11/2016, Tam Đảo 05 đã chính thức rời cảng lên đường thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại mỏ Thỏ Trắng, gia nhập vào đại gia đình giàn khoan của Vietsovpetro. Ở thời điểm đó, Tam Đảo 05 là giàn khoan tự nâng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, và nặng gấp 1,5 lần so với Tam Đảo 03.
Tổng khối lượng thi công và lắp đặt của dự án Tam Đảo 05 lên đến gần 18.000 tấn. Giàn khoan có chiều cao chân đế 167m, có thể hoạt động ở độ sâu lên đến 122m và khoan sâu tới 9.144m dưới đáy biển, đồng thời chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão cấp 12 và sóng cao đến 20,7m.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. Ảnh: Pvshipyard
Do các yêu cầu phức tạp về kỹ thuật nên để chế tạo được Tam Đảo 05, PV Shipyard đã sử dụng phương pháp Skidding (kéo trượt trên đường), là phương pháp vận chuyển hiện đại lần đầu tiên được áp dụng trong nước.
Một điểm đáng chú ý nữa là dự án này đã huy động đội ngũ chuyên gia trong nước thay thế cho các chuyên gia nước ngoài. Mặc dù vẫn mua thiết kế cơ sở của nước ngoài nhưng đội ngũ kỹ sư của PV Shipyard đã tham gia thiết kế 805 bộ bản vẽ chi tiết (bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian…).
Theo website của Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương, trong dự án Tam Đảo 03, PV Shipyard phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài, nhưng đến Tam Đảo 05, con số này giảm xuống chỉ còn 2 người.
Bên cạnh đó, theo kỹ sư Phan Tử Giang, đại diện nhóm tác giả công trình, nếu như giàn Tam Đảo 03 cần thuê 43.000 giờ làm việc của chuyên gia nước ngoài, thì Tam Đảo 05 đã giảm thời gian này xuống còn 11.000 giờ, đồng thời nâng cao giá trị nội địa hóa lên 76 triệu USD, chiếm 39% tổng giá trị công việc (so với 34,6% của Tam Đảo 03).
Thời gian thi công của Tam Đảo 05 tương đương với Tam Đảo 03, dù khối lượng công việc lớn hơn gấp rưỡi. Dự án cũng tăng cường sử dụng thiết bị và nguyên liệu nội địa, giúp tiết kiệm 8 triệu USD cho tổng thầu và chủ đầu tư, với tổng giá trị tiết kiệm lên đến 38 triệu USD. Thành công của dự án đã tạo việc làm cho khoảng 1.500-3.000 lao động trong 24-30 tháng.
Trong suốt quá trình thi công Tam Đảo 05, đội ngũ thi công hàng trăm người gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tới cuối cùng, họ đã thành công, tạo ra một công trình “mang đậm màu sắc của người Việt”, dù giàn khoan vẫn dựa trên thiết kế cơ sở của nước ngoài.
Nắm bắt xu hướng thế giới
Theo PetroVietnam, việc chế tạo thành công các giàn khoan tự nâng như Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia (chiếm khoảng 5% thế giới) có khả năng tự thiết kế, chế tạo và vận hành giàn khoan tự nâng trong điều kiện biển sâu và khí hậu khắc nghiệt.
Thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ dầu khí thế giới mà còn tạo tiền đề vững chắc cho ngành dầu khí trong nước nắm bắt nhanh xu hướng toàn cầu.

Giàn khoan tự nâng PV DRILLING VIII. Ảnh: Pvdrilling
Theo công ty chuyên theo dõi và phân tích thị trường giàn khoan Riglogix, khu vực Đông Nam Á sẽ cần khoảng 45-50 giàn khoan tự nâng mỗi năm trong 4 năm tới, trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 70%-80%. Điều này mở ra cơ hội lớn cho thuê giàn khoan tự nâng trong khu vực.
Báo cáo từ IHS Petrodata – công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích ngành dầu khí toàn cầu – cũng cho thấy giá thuê giàn khoan tự nâng trung bình trên thế giới vào tháng 9/2024 dao động trong khoảng 100.000-130.000 USD/ngày, với một số hợp đồng mới đạt mức 150.000 USD/ngày. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á và Úc ghi nhận mức giá cao hơn so với trung bình toàn cầu.
Trong bối cảnh đó,c – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khoan dầu khí tại Việt Nam – đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Năm 2015, PV Drilling đã tự thiết kế và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng PV DRILLING VI, tiết kiệm hơn 30 triệu USD so với chi phí thuê nước ngoài.
Mới đây nhất, PV Drilling đã triển khai dự án đầu tư giàn khoan tự nâng đa năng 3 chân rời có dầm trượt, dự kiến đi vào hoạt động từ quý 4/2025. Ngày 17/2/2025 vừa qua, giàn khoan PV DRILLING VIII cùng 25 nhân sự đã khởi hành từ Labuan, Malaysia về TP. Vũng Tàu, Việt Nam để tiếp tục giai đoạn 2 của dự án.
Những bước tiến này nhìn chung không chỉ giúp Việt Nam tăng cường khả năng khai thác dầu khí một cách hiệu quả và an toàn mà còn giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu, và nâng cao năng lực kỹ thuật trong nước.
Đồng thời, chúng góp phần thúc đẩy ngành dầu khí phát triển bền vững, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.