Những tờ giấy cảnh báo pháp lý dán trên cửa Bệnh viện Huiren, một bệnh viện tư nhân ở thành phố Túc Thiên, miền đông Trung Quốc, đã phản ánh cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trong ngành y tế nước này.
Từ một cơ sở tư nhân nổi tiếng với dịch vụ điều trị vô sinh nam và bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh viện dần rơi vào tình trạng khó khăn với hàng loạt cảnh báo pháp lý về nợ lương nhân viên. Sau 4 tháng không thể thanh toán, bệnh viện cuối cùng đã đóng cửa vào tháng 9, để lại một tòa nhà trống rỗng không còn trang thiết bị và nhân viên.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với Huiren mà còn phổ biến trong hệ thống y tế Trung Quốc, cả công lập và tư nhân. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cú sốc kép: chi phí vận hành tăng vọt do yêu cầu xét nghiệm hàng loạt trong chiến dịch kiểm soát dịch của chính phủ, trong khi doanh thu sụt giảm vì người dân tránh đến bệnh viện.
Sau đại dịch, các bệnh viện tiếp tục đối mặt với thách thức mới khi nền kinh tế suy giảm do khủng hoảng bất động sản. Người dân thắt chặt chi tiêu y tế không thiết yếu, còn chính quyền địa phương không đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ các bệnh viện công.
Thêm vào đó, vấn đề già hóa dân số khiến chi phí y tế tăng nhanh hơn khả năng chi trả của các quỹ bảo hiểm y tế. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ, bao gồm việc hạn chế hoàn trả chi phí thủ thuật và thuốc men, càng đẩy nhiều bệnh viện vào tình thế khó khăn hơn.
Từ bùng nổ bệnh viện đến nợ nần chồng chất
Hệ thống y tế Trung Quốc đã trải qua sự phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, với số lượng bệnh viện tăng gấp đôi nhờ sự bùng nổ kinh tế. Đặc biệt, các cơ sở y tế tư nhân đã tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gấp 8 lần. Nhiều bệnh viện đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực phục vụ và đa dạng hóa dịch vụ.
Sự phát triển này đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng y tế tại Trung Quốc. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng hơn 15 năm so với thập niên 1970, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm mạnh từ 30% trong những năm 1950 xuống còn dưới 0,5% vào năm 2023.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế suy giảm gần đây đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động của các bệnh viện. Theo cơ sở dữ liệu phá sản quốc gia, hơn 200 bệnh viện đã tuyên bố phá sản trong 5 năm qua, tăng đột biến so với con số 7 bệnh viện của giai đoạn trước đó. Phần lớn các trường hợp phá sản là bệnh viện tư nhân. Mặc dù số lượng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 40.000 bệnh viện toàn quốc tính đến cuối năm 2023.
“Đây mới chỉ là khởi đầu, và sẽ còn nhiều bệnh viện khác rơi vào tình cảnh tương tự”, ông Hà Bân, một chuyên gia phân tích ngành y tế tại Trung Quốc, nhận định.
Khủng hoảng tài chính không chỉ ảnh hưởng đến khu vực y tế tư nhân mà còn lan rộng sang các bệnh viện công. Niên giám Thống kê Y tế Trung Quốc cho thấy nợ của các bệnh viện công đã tăng gần gấp 4 lần trong giai đoạn 2011-2021.

Điển hình như trường hợp Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Jiaying ở Mai Châu đã phải tạm ngừng hoạt động và thuê công ty kiểm toán thanh lý tài sản sau 10 tháng không thể chi trả lương cho nhân viên.
Ở tỉnh Chiết Giang, bà Nana Dương, một nhân viên y tế tại một bệnh viện công, cho biết tiền lương của mình đã bị cắt giảm lần đầu tiên trong 12 năm sự nghiệp. Bệnh viện đã cắt giảm trợ cấp tiền ăn cũng như ngừng cung cấp nước uống miễn phí.
Đây được cho là một tín hiệu đáng báo động khi ngành y tế được cho là ổn định ở Trung Quốc.
Khủng hoảng nhân khẩu học làm trầm trọng thêm vấn đề tài chính
Một trong những nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng tài chính trong ngành y tế Trung Quốc là vấn đề nhân khẩu học. Khi số người cao tuổi tăng nhanh, chi phí y tế cũng gia tăng, trong khi lực lượng lao động trẻ, những người đóng góp vào quỹ bảo hiểm y tế, lại giảm dần.
Hệ thống bảo hiểm y tế Trung Quốc vận hành chủ yếu thông qua hai chương trình, trong đó chương trình chính phục vụ khoảng 2/3 dân số, bao gồm cư dân nông thôn, người tự kinh doanh và người thất nghiệp ở thành phố, trẻ em và người cao tuổi. Mặc dù được chính phủ trợ cấp một phần, người tham gia vẫn phải đóng phí bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây, số người đóng góp vào quỹ này đã liên tục giảm do khó khăn kinh tế. Một chính quyền thành phố ở miền nam Trung Quốc đã cảnh báo việc từ bỏ bảo hiểm y tế “chẳng khác nào không thắt dây an toàn khi lái xe trên cao tốc”.
Giáo sư Lưu Tuấn Cường tại Đại học Thanh Hoa ước tính rằng các quỹ bảo hiểm y tế sẽ cạn kiệt vào những năm 2030. Năm 2019, ông đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và kiểm soát chi phí y tế, những biện pháp hiện đã được chính phủ thực hiện.
Để ứng phó, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp như giảm mức hoàn trả bảo hiểm cho bệnh viện và thiết lập hệ thống mua thuốc tập trung. Tuy nhiên, những giải pháp này đã tạo thêm áp lực tài chính cho các cơ sở y tế và gây lo ngại về chất lượng thuốc trong công chúng.
Trước tình hình đó, người dân Trung Quốc đang chuyển hướng sang các lựa chọn chăm sóc sức khỏe tiết kiệm hơn như phòng khám cộng đồng và dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Chuyên gia Hà Bân nhận định cuộc khủng hoảng này đặc biệt nghiêm trọng do nhiều bệnh viện công đã đầu tư mạnh để nâng cấp cơ sở vật chất trong thập kỷ qua, thậm chí mua cả đàn piano cho sảnh chính. “Nhưng họ đã không lường trước rằng nền kinh tế lại đột ngột suy thoái”, ông Hà nói.