spot_img
14.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhMark Zuckerberg bị cả nước Mỹ ghét: Phẫn nộ bủa vây, cố...

Mark Zuckerberg bị cả nước Mỹ ghét: Phẫn nộ bủa vây, cố trở thành phiên bản tốt nhất nhưng vô ích

Vị CEO này đã cố gắng thay đổi hình tượng, song có vẻ nước Mỹ không dễ bị đánh lừa bởi những sợi dây chuyền vàng đầy phong cách.
Mark Zuckerberg bị cả nước Mỹ ghét: Phẫn nộ bủa vây, cố trở thành phiên bản tốt nhất nhưng vô ích- Ảnh 1.

Một nghiên cứu từ Pew Research Center phát hiện ra rằng, 67% người trưởng thành tại Mỹ không có mấy thiện cảm với Mark Zuckerberg. Vị CEO này đã cố gắng thay đổi hình tượng, song có vẻ nước Mỹ không dễ bị đánh lừa bởi những sợi dây chuyền vàng đầy phong cách.

Theo Financial Times, mỗi năm, nhân viên Meta đều nhận được một phần thưởng cổ phiếu bổ sung, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nhập của họ ngoài lương cứng và tiền thưởng. Tuy nhiên, trong năm 2025, phần thưởng này sẽ bị giảm xuống 10% như một phần của chính sách tiết kiệm.

Trong khi đó, Meta lại phê duyệt kế hoạch tăng lương thưởng cho ban lãnh đạo. Các giám đốc điều hành có thể nhận thưởng lên đến 200% lương cơ bản, tăng mạnh so với 75% trước đây.

Quyết định này, cộng với tuyên bố sa thải loạt nhân sự bị cho là dư thừa ở Meta, đã khiến ai nấy đều bất bình. Theo một cuộc khảo sát của Pew Research Center, 2/3 số người được hỏi có cái nhìn không thiện cảm với Zuckerberg. Chỉ 1/4 số người được hỏi đánh giá ông một cách tích cực và chỉ 2% thực sự yêu thích CEO Meta.

Có rất nhiều lý do khiến công chúng chỉ trích các tỷ phú công nghệ. Một trong số đó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Tầng lớp lao động không cảm nhận được sự công bằng hay đãi ngộ tốt.

Đó là chưa kể, cách Meta sa thải nhân viên được cho là không hề ‘văn minh’. Jenny S, một nhân viên Meta từng chia sẻ với tờ Business Insider rằng mình bất ngờ bị sa thải qua email lúc 5:55 sáng. Nội dung bức thư khiến cô ngỡ ngàng và không ngờ mình thực sự đã mất đi công việc mơ ước chỉ trong vài giờ.

Jenny S chỉ là một trong số hàng nghìn nhân viên bị sa thải trong đợt “là phẳng” hàng loạt tại Meta. Theo hồ sơ LinkedIn, cô là nhà tuyển dụng kỹ thuật cấp cao bắt đầu làm việc tại Meta vào tháng 8/2021. Thông báo bất ngờ khiến cảm xúc cô gái này trở nên hỗn độn trong một “buổi sáng đầy khó khăn”.

“Meta là nơi làm việc mơ ước của tôi. Tôi mới được thăng chức vào tháng 7 năm ngoái. Khi ấy tôi vô cùng hạnh phúc vì được tham gia vào những dự án tuyệt vời. Thông báo trên khiến tôi rất khó chấp nhận”, Jenny S nói.

Trước đó, nhiều người cũng đã chia sẻ cảm giác tồi tệ vì mất việc trên LinkedIn. “Buồn, đau đớn, bấp bênh, thất vọng và đang thất nghiệp”, Brianna Sgro, cựu nhân viên mảng tuyển dụng Meta cho biết. Cô nằm trong nhóm 13% lực lượng lao động bị cắt giảm đợt 1 tại Meta.

“Thức dậy và nhận được email sa thải. Không một lời thông báo trước. Cho thôi việc toàn bộ nhân viên qua email. Thật đẳng cấp”, Carlos Giffoni, cựu quản lý sản phẩm tại Instagram nói.

Mark Zuckerberg bị cả nước Mỹ ghét: Phẫn nộ bủa vây, cố trở thành phiên bản tốt nhất nhưng vô ích- Ảnh 2.

Trong khi đó, Madison Strickland, cựu nhân viên bộ phận tuyển dụng, thì bị sa thải 2 tuần ngay trước kỳ nghỉ thai sản. Một số cặp vợ chồng cùng làm tại Meta thậm chí còn nhận tin xấu cùng lúc, trong đó có Jess và Anthony White. Jess vừa trở lại làm việc được 2 tháng sau thời gian nghỉ sinh.

“Mark Zuckerberg ra thông báo sa thải trên trang nhân viên nội bộ. Vào lúc 6 giờ sáng, tôi nhận được email. Tôi nghĩ rằng yếu tố thâm niên ảnh hưởng nhiều đến việc ai đi ai ở. Những người khác cùng nhóm tôi đều làm vượt chỉ tiêu, vì vậy, tôi mong họ được ở lại. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tình huống mong manh”, một cựu nhân viên giấu tên cho biết.

Mong muốn cải thiện năng suất của Meta đã gây ra nhiều hệ luỵ. Một số nhân viên đã lên Blind, diễn đàn thảo luận ẩn danh, để bày tỏ quan điểm. Mark Zuckerberg theo đó trở thành đối tượng bị nhiều nhân sự Meta công kích. Đa số nội dung đăng tải vào ngày Meta thực hiện sa thải đều là tiêu cực, khi đây được ví như một “trò chơi sinh tử” của ông chủ Facebook trước “tương lai vô định”.

“Metaverse là ‘cái chết’ từ từ của chúng tôi. Mark Zuckerberg sẽ một mình giết cả tập đoàn bằng tham vọng này”, một kỹ sư phần mềm bình luận.

Trước đó, một nhóm nhân viên còn tố Mark Zuckerberg không giữ lời, ‘ăn bớt’ tiền trợ cấp thất nghiệp. Trong một bức thư gửi nhân viên Meta trong thời gian sa thải, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ hỗ trợ những nhân viên thôi việc 16 tuần lương cơ bản cộng với 2 tuần bổ sung cho mỗi năm làm việc. Zuckerberg cũng nói thêm rằng Meta sẽ chi trả mọi chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhân viên và gia đình của họ trong 6 tháng.

Tuy nhiên thực tế, những thành viên này chỉ nhận được 8 tuần lương cơ bản và 3 tháng COBRA (một chương trình bảo hiểm y tế cho phép nhân viên đủ điều kiện và người phụ thuộc của họ tiếp tục được hưởng lợi ích của bảo hiểm y tế). Họ không rõ tại sao gói trợ cấp thôi việc của mình lại thấp hơn so với các đồng nghiệp, trong khi mình cũng được coi là nhân viên chính thức.

Không dừng lại ở đó, nhân viên Meta, đặc biệt ở vị trí kiểm duyệt nội dung, còn tố văn hoá công ty mình ‘vô cùng độc hại’. Theo Ian Kanyanya, trưởng bộ phận dịch vụ sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobi của Kenya, hơn 140 nhân viên kiểm duyệt nội dung Facebook được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) nghiêm trọng, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) và rối loạn trầm cảm nặng tạm thời (MDD) do phải tiếp xúc các nội dung tiêu cực mỗi ngày. Những chẩn đoán nằm trong vụ kiện đang được đệ trình nhằm vào Meta và Samasource Kenya, công ty thực hiện kiểm duyệt cho Meta bằng cách thuê nhân viên ở châu Phi.

“Kiểm duyệt nội dung trên Facebook là công việc nguy hiểm, gây PTSD suốt đời. Ở Kenya, nó gây tổn thương cho 100% kiểm duyệt viên từng được kiểm tra về PTSD. Ở những ngành nghề khác, đa số sẽ phải từ chức và đối mặt với hậu quả pháp lý nếu 100% nhân viên mắc bệnh do công việc”, Martha Dark, người sáng lập và đồng giám đốc của Foxglove, tổ chức ủng hộ vụ kiện, cho hay.

Những tháng gần đây, Mark Zuckerberg như lột xác. Hình ảnh của một chàng trai công nghệ khô khan, luôn xuất hiện với chiếc quần jean đơn giản và áo thun xanh navy đã chuyển sang một phiên bản ‘ngầu hơn’: đeo dây chuyền vàng, tập gym, chơi võ thuật…Tuy nhiên, sau tất cả, chúng khó lòng có thể giúp Mark Zukerberg lấy lại cảm tình của người Mỹ. Lần chuyển đổi hình ảnh này chắc chắn không đủ thể xoa dịu cơn thất vọng của hàng nghìn nhân viên Meta.

Theo: Financial Times, TechCrunch, Business Insider

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật