Tác động của quyết định đình chỉ viện trợ USAID trong 90 ngày của Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng lan rộng khắp Kenya, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Phi, đã làm lộ rõ sự phụ thuộc của hệ thống y tế và một phần nền kinh tế Kenya, quốc gia được xem là trung tâm của các nỗ lực viện trợ quốc tế với lĩnh vực phi chính phủ (NGO) rộng lớn, vào nguồn hỗ trợ từ Mỹ.

Mặc dù một thẩm phán liên bang Mỹ mới đây đã ban hành lệnh ngăn chặn tạm thời để thách thức sắc lệnh hành pháp của Trump về việc đình chỉ toàn bộ viện trợ nước ngoài, nhưng sự bất ổn đã khiến hàng chục nghìn nhân viên cứu trợ người Kenya và nước ngoài rơi vào tình trạng nghỉ việc không lương.
Dù một số quốc gia châu Phi có thu nhập thấp hơn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, nhưng tổn thất đối với Kenya – một trong những đồng minh ổn định nhất của Mỹ ở châu Phi và cũng là một trong những nước phát triển nhất khu vực – là rất rõ rệt.
Tại Kisumu, thành phố quê hương của cha cựu Tổng thống Barack Obama, tác động của việc cắt giảm viện trợ thể hiện rõ qua lời kể của Alie Eleveld, người sáng lập Dự án Nước Sạch và Phòng chống AIDS.
Theo bà, nhiều doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là những nơi phục vụ nhân viên các dự án chống HIV/AIDS, lao và sốt rét do Mỹ tài trợ, đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Các khách sạn từ chối đặt phòng từ nhân viên NGO, trong khi nhiều người phải cho con nghỉ học và rời khỏi khu vực.
Tại thủ đô Nairobi, một đô thị quốc tế sôi động với ngành công nghệ phát triển mạnh và vai trò trung tâm trong hoạt động cứu trợ khu vực, hàng trăm nhân viên cứu trợ nước ngoài đang trong tình trạng nghỉ việc không lương.
Nhiều người lo lắng về tương lai học hành của con cái và cân nhắc rời khỏi Kenya. Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản cao cấp sẽ suy giảm và đồng shilling Kenya có thể mất giá trong thời gian tới.
Viện trợ Mỹ và sự phụ thuộc của Kenya
Năm 2023, Kenya nhận 850 triệu USD viện trợ từ Mỹ để thực hiện hơn 230 dự án, trong đó ngành y tế chiếm gần một nửa với 402 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi Trump ký lệnh đình chỉ, nhiều dự án quan trọng như giáo dục đại học, đào tạo nghề cho trẻ mồ côi, giảm thiểu hạn hán và xử lý nước thải đều bị ngưng trệ. Các ngân hàng cũng từ chối cấp vốn khẩn cấp do lo ngại về khả năng khôi phục nguồn viện trợ.
Mặc dù USAID đã ký hợp đồng với nhiều tổ chức Kenya, phần lớn các đơn vị này không đủ khả năng tài chính để duy trì hoạt động trong ba tháng không có ngân sách.
Theo Tiến sĩ Ruth Laibon-Masha, Giám đốc Hội đồng Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia Kenya, khoảng 41.500 nhân viên y tế công cộng và phòng chống AIDS bị ảnh hưởng trực tiếp. Dù 10% trong số này được phép tiếp tục làm việc nhờ ngoại lệ về viện trợ nhân đạo cứu sinh, vẫn còn 37.000 người chưa nhận được hỗ trợ.
Laibon-Masha cho biết nhiều chuyên gia y tế giỏi từ khu vực công đã chuyển sang làm việc cho các chương trình của Mỹ như PEPFAR (Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về HIV/AIDS) do cựu tổng thống George W. Bush khởi xướng. Điều này khiến năng lực y tế của Kenya bị suy giảm, nhưng họ đã bỏ qua vấn đề này vì vẫn nhận được lợi ích từ viện trợ.

Chính phủ Kenya cũng không được cảnh báo trước để xây dựng hệ thống cung ứng nội địa hoặc đảm bảo nguồn thuốc thiết yếu, đặc biệt là thuốc kháng virus HIV.
Trong khi ông Trump và Elon Musk cho rằng nguồn tài trợ USAID đang bị lãng phí và lợi dụng cho “chương trình nghị sự cực tả”, Laibon-Masha cho rằng việc cắt viện trợ đột ngột này là “một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi các tổ chức Liên Hợp Quốc, vốn cũng nhận viện trợ từ USAID, chưa có phản hồi chính thức về mức độ ảnh hưởng. Ví dụ như WFP tại Kenya đã nhận được 121 triệu bảng Anh trong năm trước.
Theo tiết lộ từ một nhân viên USAID người Mỹ, lệnh đình chỉ khiến lương thực viện trợ bị tồn đọng tại các cảng Đông Phi và nhiều quốc gia thiếu thuốc ARV. Vấn đề còn trầm trọng hơn do sự gián đoạn trong liên lạc – ngay cả các tổ chức được miễn trừ cũng khó tiếp cận nguồn quỹ khi USAID chuyển về dưới quyền kiểm soát của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tìm kiếm giải pháp thay thế
Trong ngắn hạn, người phát ngôn chính phủ Kenya, Isaac Mwaura, cho biết ngân sách quốc gia bị hạn chế, với 70% doanh thu nội địa dùng để trả khoản nợ nước ngoài trị giá 45 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các nhà tài trợ khác, đặc biệt từ Bắc Âu, sẵn sàng hỗ trợ nếu lệnh đóng băng viện trợ của Trump được duy trì.

Về lâu dài, với hệ thống đa phương toàn cầu đang bị nghi ngờ, Kenya cần “nỗ lực hơn để tự đứng vững” và điều chỉnh quan hệ đối ngoại sao cho có lợi hơn cho lợi ích quốc gia.
“Chúng tôi không nhìn về phương Đông. Chúng tôi không nhìn về phương Tây. Chúng tôi chỉ nhìn về phía trước,” ông tuyên bố.
Theo FT