Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay thương mại điện tử (TMĐT) đang xóa sổ các cửa hàng truyền thống theo cách tồi tệ chưa từng có. Một trong những yếu tố khiến các cửa hàng truyền thống dần mất khách là không đủ hàng, khiến người mua thà tự đặt hàng online còn hơn mất thời gian đi lại.
Câu chuyện khách hàng đi bộ đến cửa hàng để nhận thông báo rằng sản phẩm mình cần tìm đã hết nhưng có thể đặt online là chuyện quá bình thường thời nay.
Thậm chí, cựu CEO Jerry Storch của Toys “R” Us còn đặt thuật ngữ “SOS- Save Our Sale” cho tình trạng hết hàng này. Nhà tạo mẫu Lucia Gulbransen ở Westport thì đùa vui rằng các nhà bán lẻ đang tạo điều kiện cho khách hàng “tập thể dục” khi tốn thời gian đi lại.

Công ty tư vấn AlixPartners đã nghiên cứu 30 nhà bán lẻ và phát hiện ra rằng trung bình chỉ có 9% các loại quần áo nữ trực tuyến của họ có sẵn tại các cửa hàng truyền thống. Đối với các cửa hàng bách hóa, tỷ lệ này là 7% và tại các cửa hàng đại chúng là 2%. Các nhà bán lẻ chuyên doanh có kết quả tốt hơn, với một phần ba hàng hóa trực tuyến của họ có sẵn tại các cửa hàng.
Hậu quả là theo cuộc khảo sát năm 2024 của Viện IBM, gần ¾ người tiêu dùng thích đi mua sắm tại cửa hàng truyền thống nhưng chỉ có 9% hài lòng với trải nghiệm tại cửa hàng. Phàn nàn lớn nhất của khách hàng là thiếu sự đa dạng và việc nhiều sản phẩm hết hàng quá nhanh.
Những lăng mộ đổ nát
Tờ WSJ cho hay Internet đã mở ra một kỷ nguyên mới của thiên đường mua sắm, trong đó chúng ta có thể đặt hàng bất cứ thứ gì mình muốn ngay tại nhà mà chẳng cần tốn công đi lại. TMĐT đã rút dòng tiền và hàng hóa ra khỏi các cửa hàng truyền thống và biến những trung tâm thương mại sầm uất thành “những lăng mộ đổ nát”.
Sự cạnh tranh khốc liệt này khiến các nhà bán lẻ phải mở rộng phạm vi sản phẩm kinh doanh online và hậu quả là lượng sản phẩm tồn kho cho cửa hàng truyền thống bị thiếu hụt.
Mặc dù các giám đốc bán lẻ ngày nay thích kinh doanh cả trực tuyến lẫn truyền thống nhưng thực tế là các cửa hàng kiếm nhiều tiền hơn khi khách đến chi nhánh. Nguyên nhân chính là chi phí đóng gói, vận chuyển khiến lợi nhuận trực tuyến bị xói mòn.
Tất nhiên, những thương hiệu xa xỉ như Hermès vẫn làm say lòng người mua sắm bằng các cửa hàng hàng đầu của mình. Thương hiệu Nordstrom vẫn được biết đến với dịch vụ vượt trội. còn chuỗi T.J. Maxx vẫn kinh doanh được nhờ có các sản phẩm giá hời.
Thế nhưng tờ WSJ cho rằng ngày càng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi duy trì hậu cần cho các cửa hàng truyền thống so với TMĐT. Các nhà bán lẻ có thể lưu trữ hàng tồn kho tại các trung tâm phân phối dễ dàng hơn để bán online so với việc tính toán phải chuyển bao nhiêu sản phẩm đến từng cửa hàng kinh doanh truyền thống.
Cô Alanis Castro sinh viên năm cuối tại Đại học Susquehanna ở Selinsgrove-Mỹ đang săn lùng một chiếc quần jeans Abercrombie & Fitch. Tuy nhiên, mỗi lần cô đến cửa hàng, chúng đều hết cỡ.
Nhân viên bán hàng đề nghị giao hàng cho cô, nhưng cô muốn thử trước để tránh phải trả phí vận chuyển trả lại là 7 USD nếu không vừa và rõ ràng khách hàng này không có được sự hài lòng để bước ra khỏi cửa hàng với món đồ trên tay.

“Nếu tôi muốn đặt hàng trực tuyến, tôi đã đặt hàng ở nhà rồi”, cô gái 21 tuổi cho biết.
Đáp trả, phía Abercrombie giải thích họ cung cấp rất nhiều loại quần jean, từ size 23 đến 37 với nhiều kiểu dáng nên các cửa hàng truyền thống khó có thể cung cấp đầy đủ mọi kích cỡ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, WSJ cho rằng nhiều nhà bán lẻ đã tồn kho quá nhiều trong đại dịch do chuỗi cung ứng hỗn loạn nên họ đã giảm lượng lớn hàng tồn trong vài năm qua, gây ra cảnh “hết hàng” như hiện nay.
“Các nhà bán lẻ đã chuyển hướng quá mạnh sang TMĐT và bỏ bê trải nghiệm trong cửa hàng truyền thống”, CEO Don Hendricks của chuỗi cửa hàng bách hóa Belk cho biết.
Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ đang khiến người tiêu dùng phải chạy theo một cuộc săn lùng mệt mỏi vì hết hàng.
Cô Abby Carlos, một chiến lược gia truyền thông 27 tuổi, đang săn lùng một chiếc quần Zara mà cô đã thấy trên TikTok.
Người phụ nữ này đã đến ba cửa hàng Zara gần nhà ở Garfield nhưng không có cửa hàng nào có màu be vừa với kích cỡ của cô.
Một phát ngôn viên của Zara cho biết người mua có thể kiểm tra tình trạng còn hàng trong cửa hàng trực tuyến nhưng như vậy thì chẳng khác gì khuyên mọi người thà ở nhà mua sắm online còn hơn đến các chi nhánh truyền thống.
Quay trở lại với cô Carlos, người phụ nữ này đã quyết định ra về tay không và chuyển hướng sang mua thứ khác.
*Nguồn: WSJ