spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNgân hàng Nhà nước giảm mạnh lượng thanh khoản hỗ trợ hệ...

Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống ngân hàng

Trong tuần qua, NHNN hút ròng 34.155 tỷ đồng ra khỏi thị trường ngân hàng bằng kênh thị trường mở. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hút ròng 38.105 tỷ đồng trong tuần 10/2 – 14/2.
Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống ngân hàng- Ảnh 1.

Trên thị trường mở tuần qua từ 17/02 – 21/02, ở kênh cầm cố giấy tờ có giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu 51.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. So với hai tuần trước đó đều đạt 109.000 tỷ đồng, lượng OMO chào thầu của NHNN đã giảm gần một nửa.

Kết quả, có 37.059 tỷ trúng thầu và có 69.114 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố. Như vậy, NHNN đã hút ròng hơn 32.055 tỷ đồng qua kênh OMO trong tuần qua.

Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 21.699 tỷ đồng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu dao động quanh mức 3,8 – 4,0%. Có 19.600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. Như vậy, NHNN đã hút ròng 2.099 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Tổng cộng, NHNN hút ròng 34.155 tỷ đồng ra khỏi thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hút ròng 38.105 tỷ đồng trong tuần 10/2 – 14/2.

Đến cuối tuần qua có 87.480 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 21.699 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường, tương ứng NHNN đang ở trạng thái bơm ròng 65.781 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng – giảm mạnh so với mức 147.600 đồng ghi nhận vào phiên giao dịch 6/2.

NHNN rút bớt thanh khoản hỗ trợ hệ thống trong bối cảnh giai đoạn cao điểm thanh toán dịp Tết Nguyên đán đã đi qua.

Bên cạnh đó, động thái hút ròng thành khoản cũng góp phần hỗ trợ duy trì mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá USD liên ngân hàng trong tuần từ 17/02 – 21/02 tăng khá mạnh qua các phiên. Kết thúc phiên 21/02, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.525, tăng mạnh 135 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trên thị trường giữa ngân hàng và dân cư, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng trong tuần qua và hiện dao động quanh mốc 25.700 đồng ở chiều bán và 25.300 đồng ở chiều mua vào. So với mức đóng cửa trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400 đồng, còn giá mua tăng khoảng 600 đồng. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã tăng 1,6 – 2,4%.

Tỷ giá USD ngân hàng liên tục tăng trong bối cảnh NHNN đã nâng mạnh tỷ giá trung tâm, nới rộng mức trần mà các ngân hàng được phép giao dịch. Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 313 đồng, tương đương 1,3% – mức điều chỉnh rất mạnh nếu so với mức tăng 469 đồng của cả năm 2024.

Đồng thời, Nhà điều hành cũng tiếp tiếp “thả nổi” giá bán USD theo tỷ giá trung tâm khi duy trì ở mức thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần. Trước đó, NHNN đã thiết lập một mức chặn cứng cho tỷ giá liên ngân hàng tại 25.450 đồng trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Khi tỷ giá liên ngân hàng vượt mức giá này, NHNN đã bán ra lượng lớn ngoại tệ để can thiệp.

Theo giới phân tích, việc NHNN tăng tỷ giá trung tâm và “thả nổi” giá bán USD phát đi tín hiệu về việc Nhà điều hành đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn, trong bối cảnh các điều kiện về thanh khoản VND có nhiều yếu tố hỗ trợ. Động thái này nhằm giảm bớt áp lực lên dữ trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm 2024 và hiện đang ở mức cận dưới theo khuyến nghị của IMF về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu.

“Động thái này cho thấy NHNN sẽ chưa sử dụng dự trữ ngoại hối ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, điểm tích cực là chênh lệch lãi suất VND-USD qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang chuyển sang trạng thái dương trở lại. Yếu tố này sẽ phần nào hỗ trợ cho VND giảm bớt áp lực giảm giá trong thời gian tới”, Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật