Theo thông báo từ Cục thống kê tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) hồi tháng 1, GDP của tỉnh này đạt 13.700,800 tỷ Nhân dân tệ (NDT) vào năm 2024, khoảng 1,893 nghìn tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2023, đứng đầu Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng.
Giang Tô là tỉnh có GDP đứng thứ 2 Trung Quốc, bám sát nút tỉnh đứng đầu Quảng Đông 14.163,381 tỷ NDT, khoảng 1,945 nghìn tỷ USD, khoảng cách với Quảng Đông thu hẹp còn khoảng 400 tỷ NDT
Theo đánh giá, Quảng Đông và Giang Tô là hai tỉnh dẫn đầu Trung Quốc có GDP vượt 12 nghìn tỷ NDT. GDP của tỉnh Quảng Đông chiếm 11% GDP Trung Quốc, GDP của tỉnh Giang Tô chiếm 10% GDP Trung Quốc.
Tổng GDP của tỉnh Quảng Đông và Giang Tô chiếm hơn 1/5 tổng GDP Trung Quốc và hai tỉnh này là chuẩn mực quốc gia về sản xuất, công nghệ và ngoại thương.
Đáng chú ý, nếu so sánh về quy mô của các nền kinh tế trên thế giới, tương tự như tỉnh Quảng Đông, GDP Giang Tô cao hơn Mexico – nền kinh tế thứ 12 thế giới (1,789 nghìn tỷ USD – năm 2023), Úc – nền kinh tế thứ 13 thế giới (1,728 nghìn tỷ USD), Hàn Quốc – nền kinh tế 14 thế giới (1,712 nghìn tỷ USD) và xếp ngay sau Nga – nền kinh tế thứ 11 thế giới (2,021 nghìn tỷ USD – năm 2023).
Kinh tế Giang Tô bùng nổ trong năm 2024
Theo tờ Yicai (Trung Quốc), Giang Tô là tỉnh giành chiến thắng lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc năm 2024.
Tỉnh này đã ghi nhận nền kinh tế bùng nổ suốt năm qua với những con số bất ngờ.
Tổng dư nợ cho vay trong nước và nước ngoài mới đạt 2,36 nghìn tỷ nhân dân tệ, đứng đầu cả nước.
Số lượng các công ty kỳ lân mới thành lập và các công ty kỳ lân tiềm năng của Trung Quốc đứng đầu cả nước.
Số lượng doanh nghiệp chuyên môn hóa, tinh nhuệ, sáng tạo, “khổng lồ nhỏ” quốc gia đạt 2.215, đứng đầu cả nước.
Số lượng doanh nghiệp chuyên môn hóa, tinh nhuệ, sáng tạo, “tiểu khổng lồ” quốc gia đạt 2.215, đứng đầu cả nước.
Có 113 nhà máy 5G quốc gia mới, nâng tổng số lên 210, đứng đầu cả nước.
Tuy nhiên, theo Yicai, đây chỉ là một phần nhỏ trong “bảng điểm chói lọi” của Giang Tô.
Ngày 20/1, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng bài bình luận có tiêu đề “Chất lượng và trách nhiệm của “Số 1 cả nước””.
Bài viết đề cập đến một chi tiết thú vị: Khi nói về việc Giang Tô sử dụng vốn nước ngoài trong năm 2024, Chủ tịch tỉnh Từ Côn Lâm nói rằng, thực tế tỉnh này sử dụng vốn nước ngoài chiếm gần 1/6 cả nước. “Chỉ số này cũng đứng số 1 toàn quốc. Số 1 (thứ nhất) viết quá nhiều nên đã xóa bớt đi”, ông này bổ sung.

Một xưởng của Công ty TNHH CRRC Qishuyan tại Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Ảnh: Xinhua
Sự trỗi dậy của “Ngũ hổ Tô Bắc”
Tại sao “bảng điểm” năm 2024 của Giang Tô lại sáng sủa đến vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải bắt đầu với “Ngũ hổ Tô Bắc” – 5 thành phố phía Bắc Giang Tô, gồm Từ Châu, Diêm Thành, Hoài An, Liên Vân Cảng và Túc Thiên.
Trên thực tế, sức mạnh kinh tế của năm thành phố này ở vùng đồng bằng sông Dương Tử vốn không lớn.
Theo lịch sử, khu vực phía bắc Giang Tô thường phải hứng chịu lũ lụt từ sông Hoàng Hà và người dân nơi đây phải sống trong cảnh nghèo đói và túng thiếu. Hàng triệu người nghèo từ miền bắc Giang Tô đổ xô đến Thượng Hải và miền nam Giang Tô để kiếm sống.
Tuy nhiên, sau cải cách mở cửa, diện mạo của miền Bắc Giang Tô đã có những thay đổi to lớn. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thành phố phía bắc Giang Tô đã vượt xa mức trung bình của tỉnh và toàn quốc.
“Ngũ hổ Tô Bắc” đều phát triển mạnh cho dù là nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ.
Trong đó, Từ Châu chính là “người anh cả”. Là một trong những thành phố cổ nhất Trung Quốc, Từ Châu từ thời cổ đại đã là điểm trung chuyển vận tải, một trung tâm công nghiệp và là vùng đất trọng yếu của các nhà chiến lược quân sự.
Đến nay, Từ Châu đã hình thành ba ngành công nghiệp nghìn tỷ: Cơ khi chế tạo, năng lượng xanh và kinh tế số. Từ Châu vươn lên vị trí thứ 22 trong số 100 thành phố hàng đầu Trung Quốc về sản xuất tiên tiến.
Năm 2024, GDP của Từ Châu đạt 950 tỷ NDT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, GDP của Từ Châu sẽ vượt 1.000 tỷ NDT vào năm 2025, trở thành “thành phố nghìn tỷ NDT” thứ sáu tại Giang Tô.
Diêm Thành cũng là ứng cử viên của “câu lạc bộ GDP nghìn tỷ” với GDP đạt 777,918 tỷ NDT vào năm 2024.
Là trụ sở của công ty sản xuất ô tô Yueda Kia Motors, ngành công nghiệp ô tô là niềm tự hào lớn của Diêm Thành. Năm 2024, ngành công nghiệp ô tô của Diêm Thành đạt doanh số bán hàng theo hóa đơn là 100,15 tỷ NDT tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, Diêm Thành cũng là thành phố lớn về ngành công nghiệp năng lượng mới. Năng lực sản xuất thiết bị điện gió ngoài khơi chiếm hơn 40% cả nước, năng lực sản xuất cánh quạt chiếm khoảng 20% cả nước.
Hoài An là thành phố kết nối giữa Khu kinh tế đồng bằng sông Dương Tử và Khu vành đai kinh tế Bột Hải, có giao thông thuận tiện, sức hút mạnh mẽ.
Từ năm 2014 đến năm 2024, tổng sản lượng kinh tế của Hoài An đã vượt 3.000 tỷ NDT. Trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của thành phố đạt 7,1%, hơn 1,6 điểm % so với bình quân toàn quốc và hơn 1,4 điểm % so với bình quân toàn tỉnh.
Liên Vân Cảng là điểm khởi đầu của Cầu đất liền Á-Âu nên vị trí giao thông của nó không thể bị đánh giá thấp. Năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Liên Vân Cảng đạt 346 triệu tấn, khối lượng vận chuyển container đạt 6,6907 triệu TEU, lập kỷ lục trong lịch sử.
Tô Thiên là thành phố cấp huyện trẻ nhất của tỉnh Giang Tô, nền tảng kinh tế còn yếu nhưng cũng ghi nhiều dấu ấn.
Từ năm 2014 đến năm 2023, GDP của Tô Thiên đã vượt mức 3.000 tỷ NDT và thứ hạng kinh tế đã tăng từ vị trí thứ 95 vào năm 2014 lên vị trí thứ 68 toàn quốc, mỗi năm tăng từ 2 đến 3 bậc.
Yicai cho hay, miền bắc Giang Tô, vốn từng gắn liền với đói nghèo, giờ đây đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của Giang Tô và là đối tượng nghiên cứu và tấm gương của một số thành phố ở miền trung và miền tây Trung Quốc.
Tháng 12/2023, Bí thư Tỉnh ủy An Huy Hàn Tuấn đưa ra yêu cầu “Túc Châu phải nỗ lực đuổi kịp miền bắc Giang Tô, đi đầu trong công cuộc phục hồi toàn diện miền Bắc An Huy”.

Robot hàn vỏ xe ô tô tại một xưởng sản xuất xe điện ở Giang Tô. Ảnh: Xinhua
“Trung Nam Giang Tô” gặt hái thành công
Tám thành phố ở miền trung và miền nam Giang Tô là nền tảng cơ bản của nền kinh tế Giang Tô và đã duy trì sự thịnh vượng trong hàng nghìn năm.
Trong đó, Tô Châu và Nam Kinh được đánh giá là hai thành phố đứng đầu. Năm 2024, GDP của Tô Châu và Nam Kinh lần lượt đạt 2.670,000 tỷ NDT và 1.850,81 tỷ NDT, đều nằm trong top 10 các thành phố có GDP cao ở Trung Quốc.
Mặc dù Tô Châu chỉ là một thành phố cấp tỉnh thông thường nhưng thực lực kinh tế của thành phố này lại mạnh hơn một số thành phố trực thuộc trung ương và thành phố trực thuộc tỉnh. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp của Tô Châu đạt 4.690,000 tỷ NDT, đứng top 3 cả nước.
Đến cuối năm 2024, Tô Châu có 24.300 doanh nghiệp khoa học công nghệ quốc gia, đứng đầu cả nước; hơn 17.400 doanh nghiệp công nghệ cao, duy trì vị trí thứ tư cả nước; có 18 công ty kỳ lân và 108 công ty kỳ lân tiềm năng, lần lượt đứng thứ 6 và thứ 3 cả nước.
Nam Kinh là một thành phố bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng. Thế giới chỉ biết đến Nam Kinh qua danh thiếp văn hóa và giáo dục nhưng thực tế nền kinh tế công nghiệp của Nam Kinh cũng rất mạnh.
Năm 2024, Nam Kinh có 29 thành tựu đạt giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia, đứng thứ 3 trong số các thành phố Trung Quốc; 185 thành tựu đạt giải thưởng khoa học công nghệ cấp tỉnh, chiếm 63,8% toàn tỉnh; 13 doanh nghiệp được xếp hạng là quán quân sản xuất toàn quốc, đứng thứ 4 toàn quốc; thêm 121 doanh nghiệp “khổng lồ nhỏ” chuyên ngành sáng tạo quốc gia mới, đứng thứ 6 toàn quốc.
Ngày 28/4/2024, Đại học Thanh Hoa đã công bố “Báo cáo Chỉ số hấp dẫn đầu tư các thành phố Trung Quốc năm 2024”. Theo kết quả đánh giá của báo cáo, Nam Kinh đã đạt danh hiệu danh dự “Thành phố hấp dẫn đầu tư nhất năm 2024”.
Vào năm 2014, khi tới thăm Giang Tô, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra chỉ thị quan trọng cho tỉnh này. Trong đó, ông yêu cầu “kinh tế vững mạnh” là nhận dạng đầu tiên của kế hoạch vĩ đại cho một Giang Tô mới “vững mạnh, thịnh vượng, tươi đẹp và tiên tiến.