Mặc dù tăng giá, khoảng cách giá (gap) của cổ phiếu HPG đã thu hẹp đáng kể trước áp lực chốt lời từ dòng tiền đầu cơ khi giá vượt ngưỡng 28.000 đồng. Chỉ có 30,4% khối lượng khớp lệnh đến từ phe mua chủ động, trong khi lượng bán ra chiếm hơn 37,2%.
Đáng chú ý, có tới 24 triệu cổ phiếu HPG được giao dịch trong các phiên ATO và ATC, trong đó riêng phiên ATO ghi nhận hơn 22,2 triệu đơn vị khớp mua tại giá trần, giúp mã mở gap tăng ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, việc không giữ được mức giá trần, cho thấy dòng tiền đầu cơ chưa đủ mạnh để tiếp tục đẩy giá lên cao hơn.
Một yếu tố khác gây áp lực lên HPG là việc khối ngoại bán ròng 5,5 triệu đơn vị, với tổng giá trị 153 tỷ đồng.
Tròn một năm trước, HPG cũng ghi nhận phiên bùng nổ thanh khoản với 87,6 triệu đơn vị được giao dịch, giá tăng 5,4% lên 27.600 đồng, bứt phá khỏi vùng tích lũy 25.0-26.x. Đến giữa tháng 6/2024, cổ phiếu này tiến gần mốc 30.000 đồng trước khi điều chỉnh và đi ngang ở vùng giá 25.x-28.0 đến hiện tại.
Trước mắt vùng 28.0-29.0 sẽ là ngưỡng kháng cự mạnh, nếu vượt qua được, HPG có thể tiếp tục đà tăng. Ngược lại, vùng 26.5-27.0 sẽ là hỗ trợ mạnh, nếu thủng có thể kéo cổ phiếu điều chỉnh về mốc 25.0.
Về triển vọng kinh doanh, ngày 21/2, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc, mức thuế dao động từ 19,38% đến 27,83%.
Việc áp thuế này được kỳ vọng giúp Hòa Phát giảm áp lực cạnh tranh, giữ vững và mở rộng thị phần nội địa, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá bán HRC trong nước tăng. Tuy nhiên, rủi ro cũng tồn tại nếu Trung Quốc có biện pháp trả đũa hoặc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thép khác, gây áp lực lên thị trường thép xây dựng.