Khi so sánh với mức lãi suất tiết kiệm trung bình khoảng 5,5% trong năm 2024 vừa qua, tất cả các loại tài sản nêu trên đều đã có mức tăng trưởng thật sự vượt trội. Nhờ lãi suất thấp và các chính sách tài khóa nới lỏng, giá trị các tài sản tại Việt Nam đã tăng trung bình từ 10-30% trong năm qua.
Cũng chính vì vậy, “Đầu tư gì năm 2025 khi các tài sản đã tăng giá?” là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tài chính biến động không ngừng và được dự đoán sẽ là một năm đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn dành cho những nhà đầu tư giá trị. Sau đây, chúng ta sẽ cùng phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường và gợi ý một số kênh đầu tư tiềm năng.

Lãi suất tiết kiệm – Duy trì thấp
Trong 2 năm gần đây, lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp. Đầu năm 2024, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng dao động trong khoảng 3-5%/năm, tương ứng với lãi suất thực nhận trong nửa đầu năm ở mức 1,5-2,5%. Các ngân hàng quốc doanh cùng một số ít ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất khoảng 3%, trong khi phần lớn các ngân hàng trên thị trường đưa ra mức từ 4% trở lên, với lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,15%.
Trong năm 2025 với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức hai con số, Chính phủ dự kiến sẽ duy trì lãi suất ngân hàng ở mức thấp trong thời gian dài để hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, kênh tiết kiệm vẫn sẽ kém hấp dẫn vì lạm phát thực tế sẽ bào mòn lợi nhuận của tiền gửi.

Trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp, trái phiếu trở thành một lựa chọn hấp dẫn nhờ lợi suất cao và rủi ro tương đối thấp. Đặc biệt, các trái phiếu doanh nghiệp uy tín mang lại lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cá nhân gặp khó khăn khi mua trái phiếu riêng lẻ do các quy định hạn chế đối với nhóm nhà đầu tư này.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, chỉ ra một nghịch lý lớn trên thị trường vốn Việt Nam: lãi suất trái phiếu Chính phủ chỉ 1,8%/năm, trong khi các doanh nghiệp muốn huy động vốn qua trái phiếu phải chấp nhận mức lãi suất rất cao. Hiện nay, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp không còn duy trì ở mức 8% mà đã tăng lên trung bình 9-12%.
“Chênh lệch rủi ro giữa các chủ thể không thuộc khu vực Nhà nước là quá lớn. Tôi cho rằng Việt Nam không nên chấp nhận điều này”, ông Dominic Scriven nhận định.
Thay vì đầu tư trực tiếp vào trái phiếu riêng lẻ, nhiều nhà đầu tư lựa chọn chứng chỉ quỹ trái phiếu, một kênh đầu tư an toàn hơn với tính thanh khoản cao và lợi nhuận cạnh tranh so với các kênh lãi suất cố định.

Hiệu suất quỹ trái phiếu vượt xa mức lãi suất tiết kiệm hiện nay
Ngoài ra, các sản phẩm quỹ trái phiếu linh hoạt (hay có thể gọi là MMF) dành cho những nhà đầu tư để tiền chờ cơ hội đầu tư mới cũng tỏ ra hiệu quả hơn so với tiền gửi ở những kỳ hạn ngắn.
Thị trường vàng – Tài sản bảo vệ bền vững
Chỉ vừa sau những ngày Tết Ất Tỵ 2025, vàng nhẫn tăng vọt lên mức 90 triệu mặc dù đã có mức tăng ấn tượng trong năm 2024. Bên cạnh vàng miếng SJC, vàng nhẫn thật sự đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư. Thống kê cho thấy, lượng nhà đầu tư mua vàng vật chất DOJI trên Fmarket đã tăng đột biến trong năm 2024.
Bước sang năm 2025, nhiều chuyên gia nhận định tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp với nguy cơ chiến tranh thương mại diễn ra bởi chính sách của Chính phủ Trump 2.0. Điều đó vô tình dẫn đến những biến động khó lường trong nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, vàng cùng các kim loại quý như bạc và bạch kim có thể tiếp tục là tài sản giúp bảo toàn giá trị một cách hiệu quả.

Thị trường bất động sản – Ổn định phục hồi
Năm 2024 ghi nhận sự tăng giá mạnh mẽ của một số phân khúc bất động sản, đặc biệt là chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục diễn ra, khiến giá bất động sản nhà ở khó có thể giảm thêm dù thị trường vẫn đang trong quá trình phục hồi từ đáy.
Theo BHS R&D, giá bất động sản tại Hà Nội tăng từ 13 – 25%, trong khi TP.HCM có mức tăng khiêm tốn hơn, dao động từ 8 – 16%. Tỷ lệ hấp thụ trên toàn quốc đạt 87% tổng nguồn cung, trong đó Hà Nội dẫn đầu với 30.300 giao dịch, cao gấp 4 lần so với TP.HCM.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vì một số vướng mắc pháp lý tại khu vực TP.HCM nên nguồn cung mới không có sự gia tăng đáng kể, dẫn đến sự chênh lệch về giá cũng như lực hấp thụ giữa 2 thành phố lớn. Các dự án mới tại Hà Nội và TP.HCM đều được mở bán với mức giá khá cao.
Theo CBRE Việt Nam, một công ty dịch vụ bất động sản nước ngoài, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội đã tăng mạnh 36% so với năm trước và 12% so với quý trước trong năm 2024. Đây là mức tăng cao nhất được ghi nhận trong tám năm qua trên thị trường căn hộ Hà Nội.
Vào cuối quý IV/2024, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội là 72 triệu đồng/m2 (2.836 USD), chưa bao gồm VAT, phí bảo trì và chiết khấu. Tại TP.HCM, giá căn hộ sơ cấp trung bình đạt 76 triệu đồng/m2 trong quý IV/2024, tăng gần 24% so với năm trước. Sự tăng trưởng đáng kể này là do hơn 70% nguồn cung mới đến từ các dự án cao cấp và hạng sang được ra mắt trong năm nay.
Việc đầu tư vào bất động sản giai đoạn này vẫn gặp nhiều khó khăn do sự phân hóa rõ rệt theo từng khu vực. Một số phân khúc đất nền thậm chí vẫn chưa phục hồi và tiếp tục giảm giá. Trong ngắn hạn, thị trường khó có thể trở lại tình trạng “nóng sốt” như trước đây, đặc biệt là phân khúc đất nền nhiều rủi ro.
Tuy nhiên trong năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục phục hồi nhờ vào lãi suất duy trì thấp tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cũng như quyết tâm giải quyết các tắc nghẽn pháp lý của Chính phủ, từ đó thúc đẩy được nhiều dự án mới, tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Thị trường chứng khoán – Tiền hung hậu cát
Thị trường chứng khoán 2025 được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức trong đầu năm nhưng sẽ dần trở nên tốt hơn về cuối năm do nội lực tăng trưởng của nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, trong năm 2025, Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi những tác động từ tình hình kinh tế quốc tế, đặc biệt là những chính sách mới của Mỹ khiến đồng Đô tăng giá.
Nhiều quỹ đầu tư cho rằng, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là một nền kinh tế mở với sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam hiện đang thực hiện các chính sách cải cách nhằm tinh gọn bộ máy Nhà nước và tối ưu hóa nguồn lực. Các vấn đề vĩ mô trong nước cũng dần ổn định hơn, nền tảng tài chính của Việt Nam tiếp tục vững mạnh, với tỷ lệ nợ công thấp và khả năng thu ngân sách ổn định, đặc biệt là từ các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Cũng chính vì vậy nhiều quỹ đầu tư nội trong năm 2024 đã đạt kết quả đầu tư tốt mặc dù VN-Index chỉ tăng trưởng 12%, có thể kể đến đến Quỹ VMEEF đạt hiệu suất 34.04%, SSISCA đạt 33.49%, VCBF-BCF đạt 27.04%% nhờ việc tập trung chiến lược đầu tư vào những nhóm ngành được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế (số liệu từ Fmarket.vn – nền tảng đầu tư quỹ mở chuyên nghiệp). Xem lợi nhuận quỹ nào tốt nhất năm 2024.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP 2 chữ số trong năm 2025 và tạo bàn đạp để duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn. Để hưởng lợi từ sự tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia cho biết, thay vì tự đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể chọn đầu tư vào các quỹ mở để giảm thiểu rủi ro cũng như tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.
Năm 2025 được cho là có nhiều thách thức đầu năm nhưng sẽ mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư có sức hấp dẫn vì tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Việt Nam.
Về dài hạn, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital – cho rằng, chứng khoán là kênh đầu tư sẽ tăng trưởng vượt bậc về quy mô trong vài năm tới, chính sách kinh tế Việt Nam 2025 vẫn sẽ tập trung vào nội lực, gồm đầu tư hạ tầng, tháo gỡ khó khăn BĐS, duy trì lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp.
Với thị trường chứng khoán, việc nâng hạng sẽ giúp thu hút vốn ngoại, cân bằng cơ cấu nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn.