spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánMột cổ phiếu thép chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng...

Một cổ phiếu thép chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần

Nguyên nhân do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2022 và đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần đối với BCTC năm 2023, 2024.

Ngày 24/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu TNS của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất.

Trên cơ sở xem xét báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán, nguyên nhân duy trì diện hạn chế giao dịch là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2022 và đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần đối với BCTC năm 2023, 2024.

Như vậy, cổ phiếu TNS chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Trong BCTC kiểm toán 2024 mới công bố, tổ chức kiếm toán độc lập là AASC cho biết Công ty chưa ghi nhận đầy đủ chi phí lãi vay phải trả cho Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (Vnsteel, mã: TNV) và chi phí lãi chậm trả cho Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ – Vnsteel (PFS) , lũy kế đến ngày 31/12/2024 gần 55 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay phát sinh 2023 công ty đang ghi nhận tăng phải thu và phải trả khác với số tiền 4,4 tỷ).

Điều này dẫn đến bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu “Các khoản phải trả ngắn hạn” tại ngày 1/1/2024 và 31/12/2024 phản ánh thiếu cùng số tiền hơn 50 tỷ đồng; chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” phản ánh thừa cùng số tiền gần 55 tỷ, chỉ tiêu “Phải thu ngắn hạn khác” tại phản ánh thừa cùng số tiền 4,4 tỷ.

Đồng thời, báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy chỉ tiêu Chi phí tài chính 2023 đang phản ánh thiếu tiền, dẫn đến lợi nhuận trước thuế ghi nhận thừa số tiền tương ứng.

Bên cạnh đó, tại thời điểm 31/12/2024, tổng nợ phải trả quá hạn gần 154 tỷ đồng (đầu năm gần 219 tỷ đồng). Nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn, số tiền 113,5 tỷ đồng (đầu năm gần 148 tỷ đồng). Chỉ số thanh toán nhanh chỉ 0,1 lần (thấp hơn mức 0,18 lần vào đầu năm). Doanh nghiệp lỗ lũy kế 122 tỷ đồng, nợ phải trả cao gấp 4,7 lần vốn chủ.

Theo AASC, Công ty chưa đạt được thỏa thuận đáng kể về việc giãn nợ, nên sẽ chưa thể thu xếp nguồn tài chính để thanh toán cho các khoản nợ tới hạn. Tuy nhiên, BCTC 2024 vẫn được trình bày trên giả định hoạt động liên tục.

Trong văn bản giải trình, TNS cho biết từng giải trình về các vấn đề này trong các báo cáo trước, và đây chỉ là vấn đề kiểm toán nhắc lại.

Ngoài ra, đối với chi phí lãi bảo lãnh của TVN và PFS, TNS cho biết do tình hình khó khăn, doanh nghiệp đã làm việc với 2 đơn vị trên về kế hoạch trả nợ và không tính lãi các khoản dư nợ vào BCTC từ năm 2016 đến 2023.

Về các khoản vay đến hạn phải thanh toán trước 31/12/2024, công ty cho rằng tình hình tài chính đang rất khó khăn, đã nhiều lần làm công văn để khoanh nợ, giảm lãi suất, giãn thời hạn trả. Doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì trả nợ đúng kế hoạch.

Dù vẫn bị hạn chế giao dịch, năm 2024 lại là năm kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp này. Cụ thể, TNS ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.556 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng, lần lượt tăng 131% và 1.209% so với cùng kỳ. Đây cũng là khoản lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 năm mà doanh nghiệp đạt được.

Trên thị trường, cổ phiếu TNS đang dừng ở mức 4.700 đồng/cp.

Một cổ phiếu thép chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần- Ảnh 1.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật