spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChứng khoán giảm 88 điểm

Chứng khoán giảm 88 điểm

Chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch “khốc liệt” nhất trong lịch sử khi 517 cổ phiếu giảm, trong đó 263 mã kịch sàn, khiến VN-Index mất 88 điểm.
  • 14h30

    Khối ngoại gom cổ phiếu Vincom Retail 

    Ngược với xu hướng bán ròng ở nhiều cổ phiếu đầu ngành, khối ngoại đang giải ngân mạnh vào cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail. Cụ thể, nhóm này đã mua hơn 1,6 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra chưa đến nửa triệu. Khối lượng hút ròng tính đến hiện tại đạt hơn 20 tỷ đồng, nối dài mạch mua ròng 3 phiên liên tiếp.

    Nhờ lực cầu mạnh của khối ngoại, VRE thu hẹp biên độ giảm từ 7% xuống 4,2% trước phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Cổ phiếu này đang giao dịch tại vùng 18.750 đồng.

  • 14h10

    Thanh khoản cổ phiếu Sacombank đột biến

    Cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ghi nhận thanh khoản tăng vọt trong ít phút. Hơn 83 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị giao dịch hơn 3.100 tỷ đồng. Đây là thanh khoản cao nhất trong vòng một năm trở lại đây của Sacombank, đồng thời đang bỏ xa cổ phiếu xếp thứ hai về giá trị giao dịch là Hoà Phát hơn 1.000 tỷ đồng.

    Bên mua chủ yếu là nhà đầu tư trong nước, trong khi khối ngoại đang bán ròng hơn 7 triệu cổ phiếu. Nhờ lực cầu ở vùng giá thấp, STB đã thoát giá sàn, hiện giao dịch tại 36.700 đồng, mất 6,5% so với tham chiếu.

  • 14h00

    Cổ phiếu khoáng sản lội ngược dòng

    Chứng khoán bị bán tháo nhưng nhiều cổ phiếu khoáng sản vẫn tăng mạnh, thậm chí chạm giá trần. YBM của Công ty cổ phần Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái đang tăng 6,7% lên 16.750 đồng. Dù có vốn hoá nhỏ trên HoSE, cổ phiếu này lại dẫn đầu về mức “đóng góp tích cực” cho VN-Index trong phiên hôm nay. KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV đang niêm yết trên sàn Hà Nội cũng tăng hết biên độ 10% lên gần 250.000 đồng. Tương tự, MGC của Công ty cổ phần Địa chất mỏ đăng ký giao dịch trên UPCoM tăng 15% lên 25.000 đồng.

  • 13h50

    Hầu hết cổ phiếu chứng khoán giảm sàn

    Các công ty chứng khoán được giới phân tích nhận định không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu, nhưng cổ phiếu ngành này đang chịu áp lực bán quyết liệt nhất. Tất cả cổ phiếu thuộc nhóm này đều mất hết biên độ và không có bên mua, trừ SBS – một cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM. SSI, cổ phiếu vốn hoá lớn nhất nhóm chứng khoán, đang dư bán hơn 11 triệu cổ phiếu tại giá sàn. VIX, VND và ORS cũng dư bán 6-10 triệu đơn vị.

  • 13h40

    Toàn thị trường chỉ còn 5 cổ phiếu tăng giá

    Thị trường lúc này chỉ còn 5 cổ phiếu tăng điểm gồm YBM, DTL, S4A, PGI và HAS. Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu giảm lên đến 521 mã, trong đó 257 cổ phiếu mất hết biên độ và phần lớn rơi vào trạng thái không có bên mua. Nhà đầu tư bán mạnh các mã vốn hoá lớn nên rổ VN30 mất đến 92 điểm, tương đương 6,68% so với tham chiếu. 25 trong số 30 cổ phiếu này đang giao dịch tại giá sàn. SSB là cổ phiếu duy nhất trong rổ này tăng điểm ở phiên sáng thì nay đảo chiều giảm hơn 3%. Thanh khoản thị trường biến động không ngừng, hiện đạt 36.380 tỷ đồng. Rổ vốn hoá lớn đóng góp hơn 22.000 tỷ đồng.

    Sàn TP HCM ghi nhận 1,44 tỷ cổ phiếu khớp lệnh thành công trong phiên sáng, tương ứng giá trị giao dịch 31.240 tỷ đồng. Thanh khoản sáng nay bằng xấp xỉ 2 phiên gần nhất cộng lại. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán. Cụ thể, khối ngoại bán hơn 4.270 tỷ đồng trong khi giải ngân chỉ 1.110 tỷ đồng. Giá trị bán ròng theo đó vượt 3.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay.

    L10 của Công ty cổ phần Lilama 10, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo kết cấu thép và thiết bị, là cổ phiếu duy nhất ngược dòng để tăng trần lên 23.150 đồng. Một số mã khác như DTL, YBM, TCR duy trì mức tăng trên 5%.

  • Phiên mất điểm ‘mạnh nhất lịch sử’

    Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, VN-Index vừa có phiên điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử “về điểm số tuyệt đối” (82,28 điểm). Về điểm số tương đối, VN-Index mất 6,24% – gần biên độ dao động tối đa là 7% theo quy chế giao dịch của HoSE. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí này, đây chưa phải phiên giảm mạnh nhất của chỉ số.

    Trong lịch sử, thị trường từng có những phiên giảm mạnh hơn về điểm số tương đối như ngày 10/9/2001 (giảm 6,89%), 3/10/2001 (giảm 6,45%) và 1/10/2001 (giảm 6,3%). Tuy nhiên, mức độ tương quan giữa hiện tại và năm 2001 hoàn toàn khác, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam lúc đó còn sơ khai, mới có 5 mã chứng khoán và VN-Index chỉ hơn 200 điểm.

    Lần gần nhất VN-Index giảm trên 6% là phiên 9/3/2020. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM thời điểm đó mất 6,28% do thông tin về dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Hà Nội, khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang. Từ đó đến nay, thị trường từng có thêm vài phiên bán tháo quyết liệt khi xuất hiện những thông tin tiêu cực về kinh tế, lãnh đạo các ngân hàng và doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, mức điều chỉnh chỉ khoảng 5%.

  • 10h40

    Khối ngoại rút ròng mạnh

    Sáng nay, nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi xả hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ giải ngân hơn 830 tỷ đồng, trong khi bán ra xấp xỉ 2.700 tỷ đồng. Giá trị rút ròng theo đó lên đến 1.900 tỷ đồng, cao nhất trong gần 3 tháng trở lại đây.

    Những cái tên bị bán mạnh nhất đều là cổ phiếu vốn hoá lớn. Cụ thể, TPB của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất với khối lượng ròng hơn 22 triệu đơn vị. MBB bị khối ngoại bán hơn 15,5 triệu cổ phiếu và không mua vào. SSI, MWG, SHB… lần lượt chia nhau các vị trí tiếp theo.

  • 10h20

    ‘Thị trường đang bị hiệu ứng domino’

    “Nhà đầu tư đang hoảng loạn quá mức, dẫn tới hiệu ứng domino”, ông Võ Công Minh – Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Chứng khoán ACB nói nhanh với VnExpress.

    Theo ông Minh, một số nhóm ngành mà bảng thuế mới của ông Trump tác động trực tiếp hiển nhiên bị chịu áp lực bán mạnh, như thuỷ sản, cao su, phân bón… Tuy nhiên, những ngành khác như ngân hàng, chứng khoán… có nội tại tốt và nếu có, chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp nhưng nhà đầu tư cũng xả hàng quyết liệt.

    • Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử sáng 3/4. Ảnh: Thành Nguyễn

    Chưa thống kê dữ liệu chính thức, nhưng ông Minh nhận định đây là một trong những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index có thời điểm mất hơn 71 điểm, tương đương 5,3% so với tham chiếu. Trong những lần bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất lợi từ thế giới và trong nước như Covid-19 bùng phát, bắt lãnh đạo ngân hàng, căng thẳng trên biển Đông…, VN-Index thường mất khoảng 4,9-5%.

    Tuy nhiên, ông Minh nhìn nhận thị trường “trong nguy có cơ”, thể hiện qua giá trị khớp lệnh và giao dịch tăng nhanh. Trong cuộc chia sẻ hơn 15 phút với VnExpress, ông 4 lần cập nhật về thanh khoản thị trường. Hiện sàn TP HCM đã khớp lệnh hơn 900 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 19.400 tỷ đồng. Rổ vốn hoá lớn đóng góp hơn 10.500 tỷ đồng trong số này.

    “Có người bán mạnh, nhưng cũng có người sẵn sàng rót tiền vào mua”, ông Minh nói, đồng thời kỳ vọng lực cầu đối ứng sẽ giúp thị trường sớm trở lại thị trạng thái cân bằng. Ông dự đoán thanh khoản thị trường hôm nay sẽ vượt mức 25.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng qua.

    Giám đốc chi nhánh ACBS cho rằng trong ngắn hạn, thị trường sẽ rất khó đoán. Do đó, những biến động mạnh như hôm nay mở ra cơ hội chọn cổ phiếu cho tầm nhìn đầu tư dài hạn. Ông khuyến nghị nhà đầu tư không giải ngân vội, mà mua từ từ để thăm dò thị trường.

    “Khoan xuống tiền ồ ạt, cứ bình tĩnh chọn cổ phiếu, bởi không chắc mai thị trường có lao dốc thêm không”, ông nói.

  • 9h55

    Cổ phiếu SeABank lội ngược dòng thị trường 

    Trong lúc nhà đầu tư bán tháo, cổ phiếu SSB của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) là mã duy nhất trong rổ vốn hoá lớn giữ được sắc xanh. Cổ phiếu này có thời điểm tăng hơn 1% lên 19.500 đồng.

    Ngân hàng này mới ký hợp tác đầu tư 80 triệu USD với Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco) và Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO) để bổ sung nguồn vốn. Khoản đầu tư này nâng tổng vốn huy động từ thị trường quốc tế lên gần 1,1 tỷ USD. Theo tài liệu họp cổ đông, SeABank dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 6.458 tỷ đồng, tăng 7% so với năm ngoái.

  • 9h45

    Cổ phiếu Kinh Bắc chạm sàn 

    KBC đang giảm hết biên độ xuống 27.450 đồng và không có bên mua. Khối lượng đang chờ bán tại giá sàn lên đến 3,3 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài cũng xả hàng quyết liệt tại KBC khi bán gần 1 triệu cổ phiếu trong chưa đầy một giờ giao dịch đầu tiên.

    Doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm cuối năm ngoái ký hợp tác với Tập đoàn Trump Organization để phát triển tổ hợp khách sạn 5 sao, sân golf và khu dân cư tỷ USD tại Hưng Yên. Nhiều khả năng dự án này khởi công trong tháng 5/2025. Khi thông tin này mới được công bố, giá cổ phiếu KBC tăng hết biên độ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật