Theo Tuổi Trẻ, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết việc Mỹ áp thuế đối ứng vừa qua không chỉ áp dụng với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông Trung thừa nhận động thái này có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như triển vọng phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh. Dù vậy, phản ứng của nhà đầu tư bị đánh giá là “thái quá”, đặc biệt trên thị trường chứng khoán những ngày qua. Chỉ trong 2 phiên giao dịch, sàn HoSE đã mất hơn 100 điểm.
“Tới đây, với sự nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn sẽ lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp” – Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4 |
Trong quý I/2025, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,93% – mức cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2025, với sự tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ. Tuy nhiên, ông Trung cũng chỉ ra một số thách thức trong các quý còn lại của năm. Cụ thể:
Thứ nhất, các tổ chức quốc tế và định chế tài chính, ngân hàng lớn đều cảnh báo xác suất gia tăng suy giảm kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể dẫn đến suy thoái. Nhiều tổ chức đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Thứ hai, chính sách thuế của Mỹ áp dụng rộng rãi cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, được xem là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý thị trường, môi trường đầu tư – kinh doanh và triển vọng thu hút vốn.
Thứ ba, môi trường đầu tư – kinh doanh trong nước cũng sẽ chịu tác động nhất định.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Mục tiêu FDI năm 2025 vẫn được giữ nguyên là thu hút 40 tỷ USD vốn đăng ký và giải ngân 28 – 29 tỷ USD. Dù là mục tiêu đầy thách thức, nhưng Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện. Mục tiêu tăng trưởng cả năm vẫn được đặt ra ở mức 8%, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
VN-Index ghi nhận tuần giảm mạnh nhất 3 năm
![]() |
Dữ liệu FiinTrade |
VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 14/2025 tại 1.210,67 điểm, giảm 106,79 điểm (-8,11%) so với tuần trước, với thanh khoản đột biến ở cả 3 nhóm nhà đầu tư, tăng bình quân 59,6%.
Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt 24.913 tỷ đồng trong tuần qua, tăng 38,4% so với mức trung bình 5 tuần gần nhất.
Toàn bộ 19 nhóm ngành lớn đều giảm điểm với thanh khoản tăng mạnh. Các nhóm giảm sâu gồm Hóa chất, Nuôi trồng nông – hải sản, Bán lẻ, Cảng biển, Dệt may, Cao su, Bất động sản khu công nghiệp. Đây là các ngành đang chịu áp lực bán mạnh sau thông tin về thuế quan đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8.880,2 tỷ đồng; tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối này bán ròng tới 9.462 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là lực đỡ cho thị trường khi mua ròng 8.354,4 tỷ đồng. Nhóm tự doanh cũng mua vào 2.179,3 tỷ đồng.