spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánKhối ngoại bán ròng hơn tỷ USD từ đầu năm

Khối ngoại bán ròng hơn tỷ USD từ đầu năm

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 25.900 tỷ đồng trên HoSE trong 3 tháng đầu năm, chủ yếu chốt lời những cổ phiếu tăng giá mạnh năm trước.

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho thấy, trong quý đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài dành hơn 95.472 tỷ đồng để mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETFchứng quyền trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, họ bán ra hơn 121.410 tỷ đồng.

Như vậy trong 3 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng khoảng 25.938 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Con số này vượt mức rút ròng của cả năm 2023, 2020 và 20216.

Nếu chỉ tính các quý đầu năm, đây là mức cao nhất trong 25 năm qua kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập. Còn khi tính chung, mức bán ròng chỉ kém quý II/2024.

Tính tới phiên cuối tuần này, giá trị đã dâng lên hơn 33.331 tỷ đồng (khoảng 1,28 tỷ USD). Xu hướng trên đã kéo dài liên tục từ tháng 2 năm trước đến nay.

Nói với VnExpress, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trước lo ngại về chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trong khu vực (trừ Trung Quốc) đều bị bán ròng rất mạnh. So với các nước, mức rút tiền của khối ngoại khỏi chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức nhẹ.

Tương tự, trong buổi họp báo hôm 3/4, ông Hà Duy Tùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho rằng tổng giá trị bán ròng quý I chỉ chiếm khoảng 1,9% danh mục của khối ngoại – được đánh giá là tỷ lệ tương đối nhỏ. Theo ông, thị trường đang chịu tác động từ thuế đối ứng của ông Donald Trump. Diễn biến này có thể còn tiếp diễn, phụ thuộc vào chính sách thực thi tại Mỹ và phản ứng điều hành ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thay đổi, nên phải có chuyện “lúc rút ra, lúc đưa tiền vào”. Riêng trong quý đầu năm, dòng vốn biến động mạnh hơn bình thường do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm chiến lược đầu tư, chính sách quỹ và tâm lý thị trường.

  • Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1, TP HCM. Ảnh: An Khương

Về cơ cấu giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài trong quý đầu năm xả hàng rất mạnh ở FPT, VNM, TPB, SSI, STB hay FRT. Chuyên gia Chứng khoán Yuanta Việt Nam lý giải đây là những cổ phiếu có nền tảng tốt và đã tăng giá rất mạnh trong năm 2024. Do đó, khối ngoại thực hiện chốt lời và cơ cấu sang các mã chứng khoán khác có câu chuyện tăng trưởng.

Ở chiều ngược lại, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài gom vào các cổ phiếu VCI, VIX, GVR, EIB, VGC hay GEX. Nếu nhìn rộng hơn, xu hướng của họ là mua ròng nhóm chứng khoán và bất động sản. Với cổ phiếu chứng khoán, câu chuyện chính là thanh khoản tăng trở lại, hệ thống công nghệ thông tin mới sắp vận hành và trong trung hạn có thêm khả năng nâng hạng thị trường. Với cổ phiếu bất động sản, kịch bản thị trường phục hồi vào nửa cuối năm nay với nhiều chất xúc tác.

“Các cổ phiếu bất động sản và chứng khoán đã tăng giá rất tốt từ đầu năm. Nếu khối ngoại không mua vào, họ sẽ đối mặt với áp lực phải ghi nhận hiệu suất đi dưới mức tăng của VN-Index”, ông Bình nói và kỳ vọng câu chuyện tái cơ cấu danh mục đã hoàn tất trong nửa cuối tháng 3.

Dự báo trong thời gian tới, chuyên gia Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng khối ngoại sẽ mua vào nhiều hơn khi hệ thống công nghệ thông tin mới vận hành và chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo FTSE Rusell. Tuy nhiên diễn biến dòng tiền của nhóm này còn phụ thuộc vào tình hình vĩ mô quốc tế và biến động của USD.

Thời gian qua, sức mạnh của đôla Mỹ được đo bằng chỉ số DXY đã giảm từ 110 xuống quanh 103-104. Với việc USD yếu đi, Việt Nam được kỳ vọng dễ dàng hơn trong việc điều tiết tỷ giá.

Hiện tại, tỷ giá VND với USD vẫn neo mức cao chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế. Nhờ động thái tích cực bơm tiền của cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán cũng có thêm động lực, nhất là về thanh khoản. Từ đó, VN-Index có dư địa tăng trưởng và thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của SSI đến cuối tháng 2, đà bán mạnh đã đẩy tỷ trọng khối lượng nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam xuống mức 13,1% – thấp nhất từ năm 2015. Cộng với sự suy yếu của DXY, nhóm phân tích này kỳ vọng áp lực bán ròng từ khối ngoại sẽ hạn chế trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, SSI lưu ý dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn đang ưu tiên hơn cho các thị trường phát triển và Việt Nam cần có những biện pháp phát triển thị trường cụ thể hơn để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trở lại.

Tất Đạt

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật