Việt Nam sở hữu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị hàng tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm từ gỗ là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3 tăng 43,6% so với tháng 2. Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1, riêng thị trường này đã chiếm tới gần 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, đạt trên 2,13 tỷ USD, tăng 12,87% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, Việt Nam thu về 833 triệu USD, tăng gần 60% so với tháng 3 năm ngoái.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ phát triển nhanh và mạnh trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất.
Đứng sau lần lượt là thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.

Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức 119,5 tỷ USD. Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 9,1 tỷ USD, chủ yếu là hàng tinh chế và đồ nội thất, với thuế suất được hưởng chủ yếu là 0% hoặc rất thấp.
Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng loạt mức thuế đối ứng với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong phần phụ lục II sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng của Mỹ quy định một số hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng: Tất cả các sản phẩm khác được liệt kê trong Phụ lục II của lệnh này, bao gồm đồng, dược phẩm, đồ gỗ, gỗ xẻ, chất bán dẫn, một số khoáng sản quan trọng, năng lượng và sản phẩm năng lượng không có sẵn tại Mỹ.
Như vậy, đồ gỗ, gỗ xẻ của tất các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế nhập khẩu đối ứng của Mỹ.
Bên cạnh đó, việc hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày tới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tìm được phương án ứng phó hợp lý.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng nhập khẩu ưu đãi (theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP). Trong đó, đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%, được xem là giải pháp góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế cao hơn.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 18 tỷ USD trong năm 2025 và tới năm 2030 sẽ đạt 25 tỷ USD. Đặc biệt, đến năm 2030, 100% diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng.