Trưa 14/4/2025, trong buổi tiếp ông Hà Đông Phong – Chủ tịch Tập đoàn tàu bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang thăm Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị COMAC hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế hàng không và khai thác, phát triển không gian vũ trụ;
Đồng thời Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa COMAC và Vietjet Air thời gian qua, kỳ vọng COMAC sẽ mở rộng hợp tác với các hãng hàng không và đối tác khác của Việt Nam trong tương lai.
Chiều cùng ngày, CEO Vietjet Air, ông Đinh Việt Phương, đã chia sẻ hình ảnh chiếc máy bay C909 tại sân bay Nội Bài trên trang cá nhân của mình.

Ảnh chụp màn hình.
Chiếc máy bay này mang màu sắc và logo của Vietjet, và ông gọi đây là một “dấu mốc mới” với Vietjet Air. Đây là dòng máy bay thương mại nội địa đầu tiên do Tập đoàn COMAC phát triển, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Vietjet.
Website của Vietjet Air cũng đã chính thức cập nhật thông tin về đường bay từ Hà Nội/TP.HCM đến Côn Đảo bằng máy bay COMAC C909, bắt đầu khai thác từ ngày 19/4. Đây là một bước tiến quan trọng, đặc biệt sau khi Bamboo Airways ngừng khai thác tuyến này.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã có đánh giá toàn diện về máy bay COMAC C909. Theo đó, COMAC C909 là máy bay phản lực tầm ngắn đến trung bình, với các thông số:
Chiều dài: 33,46 mét
Sải cánh: 27,29 mét
Chiều cao: 8,44 mét
Sức chứa: 78 đến 95 hành khách
Trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW): 40.500 kg (40,5 tấn)
Tốc độ bay: Khoảng 825 km/giờ
Trần dịch vụ: 12.200 mét
Điểm mấu chốt của máy bay COMAC C909
Website chính thức của COMAC thông tin, với tư cách là “đối tác tốt của máy bay chở khách”, kể từ khi máy bay COMAC C909 được đưa vào khai thác thương mại năm 2016, tổng cộng đã có 150 máy bay được giao, vận chuyển an toàn hơn 17 triệu hành khách.
Điểm mấu chốt mà COMAC đưa ra đó là máy bay COMAC C909 có thể thực hiện chuyến bay thương mại sử dụng Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF – sustainable aviation fuel) với tỷ lệ pha trộn lên tới 50% để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Điều này biểu thị khả năng sử dụng nhiên liệu thay thế của máy bay và góp phần tạo nên một ngành hàng không bền vững hơn.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là nhiên liệu thay thế được làm từ nguyên liệu không phải dầu mỏ giúp giảm lượng khí thải từ vận tải hàng không.

Lĩnh vực hàng không chiếm 3% tổng lượng khí thải CO2 và 12% tổng lượng khí thải CO2 từ giao thông vận tải. Ảnh minh họa.
SAF có thể được pha trộn ở nhiều mức độ khác nhau với giới hạn từ 10% đến 50%, tùy thuộc vào nguyên liệu và cách sản xuất nhiên liệu.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết, kể từ năm 2016 đến nay, hơn 360.000 chuyến bay thương mại đã sử dụng SAF tại 46 sân bay khác nhau (trên tổng số khoảng 40.000 sân bay trên toàn cầu – World Population Review (2025) thông tin), chủ yếu tập trung ở Mỹ và châu Âu.
Trên toàn thế giới, hàng không chiếm 3% tổng lượng khí thải CO2 và 12% tổng lượng khí thải CO2 từ giao thông vận tải.
Do đó, ngành hàng không quốc tế đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. SAF mang đến cơ hội tốt nhất trong tương lai gần để đạt được các mục tiêu này. So với nhiên liệu phản lực thông thường, 100% SAF có khả năng giảm lượng khí thải nhà kính tới 94% tùy thuộc vào nguyên liệu đầu vào và lộ trình công nghệ.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà sản lượng SAF rất khiêm tốn. Vào năm 2024, sản lượng SAF đạt 1.250 tỷ lít, tăng gấp đôi sản lượng so với năm 2023. Nhưng con số 1.250 tỷ lít chỉ chiếm 0,3% lượng nhiên liệu phản lực sử dụng trên toàn cầu.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự đoán rằng nguồn cung SAF cần phải tăng lên ít nhất 449 tỷ lít mỗi năm vào năm 2050 để ngành hàng không toàn cầu đạt được Net Zero.
Một báo cáo mới từ Boston Consulting Group (công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ) cho thấy nhu cầu SAF có thể đạt khoảng 10 MTPA (triệu tấn mỗi năm) vào năm 2030, mặc dù con số đó có thể cao hơn nhiều tùy thuộc vào lộ trình bay trong những năm tới.
Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), công ty nhà nước của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được thành lập ngày 11/5/2008, đặt trụ sở chính tại Thượng Hải. COMAC có hơn 21.000 nhân viên, vận hành 6 trung tâm chính về nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm bay, dịch vụ khách hàng, đào tạo và hơn 10 đơn vị hoạt động trong và ngoài Trung Quốc.