Ngày 15/4, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 – tức Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Đây là bản điều chỉnh quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu cân bằng năng lượng, bảo đảm an ninh điện và thúc đẩy tăng trưởng xanh trong bối cảnh mới.
Trước đó, Quy hoạch điện VIII từng được phê duyệt vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, với những biến động của thị trường năng lượng toàn cầu, yêu cầu chuyển đổi xanh, cũng như xu thế điện hóa ngày càng mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương rà soát và đề xuất phương án điều chỉnh phù hợp hơn, được thể chế hóa bằng Quyết định 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024.
Theo bản quy hoạch, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước năm 2030 (chưa tính xuất khẩu) sẽ đạt 183.291 – 236.363 MW, trong đó năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn: điện mặt trời 25,3 – 31,1%; điện gió 14,2 – 16,1%; nguồn lưu trữ 5,5 – 6,9%.
Đến năm 2050, hệ thống điện Việt Nam có thể đạt công suất từ 774.503 – 838.681 MW. Nguồn điện tái tạo (gió và mặt trời) chiếm hơn 60%; lưu trữ điện hơn 11%, còn lại là thủy điện, hạt nhân, nhiệt điện sạch và nhập khẩu. Trong đó, điện mặt trời riêng lẻ đã chiếm gần 300.000 MW.
Đáng chú ý, các hình thức mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sản xuất năng lượng mới sẽ đóng vai trò then chốt trong giai đoạn tới. Bộ Công Thương thống kê hiện có khoảng 1.500 khách hàng lớn tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm – đối tượng tiềm năng cho thị trường điện cạnh tranh.
Tăng tốc phát triển điện tái tạo, điện than bị xóa sổ trong tương lai
Trọng tâm của bản quy hoạch điều chỉnh là ưu tiên phát triển tối đa các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, rác thải và địa nhiệt. Trong đó, điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi được xác định là nguồn năng lượng chủ lực mới trong tương lai.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ dự kiến đạt từ 26.066 – 38.029 MW vào năm 2030 và có thể tăng lên 84.696 – 91.400 MW vào năm 2050. Điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò đột phá, với tổng công suất phục vụ nhu cầu điện trong nước từ 6.000 – 17.032 MW giai đoạn 2030 – 2035, hướng tới 113.000 – 139.097 MW vào năm 2050. Ngoài ra, khoảng 240.000 MW điện gió ngoài khơi sẽ được phát triển phục vụ sản xuất năng lượng mới (như hydrogen xanh) đến giữa thế kỷ.
Với điện mặt trời, tiềm năng kỹ thuật tại Việt Nam được ước tính lên đến 963.000 MW. Đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời (bao gồm hệ thống tập trung và mái nhà, không tính các dự án tự tiêu theo quy định tại Luật Điện lực mới) có thể đạt từ 46.459 – 73.416 MW và lên đến gần 296.000 MW vào năm 2050.
Các loại hình điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, địa nhiệt… cũng được khuyến khích đầu tư. Đến năm 2030, nguồn điện sinh khối có thể đạt 2.699 MW; rác thải rắn khoảng 2.137 MW. Tổng công suất nhóm này dự kiến đạt 9.561 MW vào năm 2050.
Thủy điện tiếp tục là trụ cột truyền thống trong cơ cấu điện Việt Nam, với mục tiêu phát triển tới ngưỡng tối đa nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ rừng, môi trường và an ninh nguồn nước. Đến năm 2030, công suất thủy điện toàn quốc đạt khoảng 33.294 – 34.667 MW và tăng lên 40.624 MW vào năm 2050.
![]() |
Hai nhà máy điện hạt nhân sẽ vận hành từ bắt đầu từ năm 2030 – 2035 |
Điện hạt nhân được đưa trở lại chiến lược dài hạn. Hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận dự kiến vận hành giai đoạn 2030 – 2035 với quy mô 4.000 – 6.400 MW. Định hướng đến 2050, tổng công suất nguồn điện hạt nhân có thể đạt 10.500 – 14.000 MW, đảm nhiệm vai trò nguồn nền ổn định trong hệ thống.
Các giải pháp lưu trữ điện được chú trọng phát triển nhằm nâng cao độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp các nguồn tái tạo công suất lớn. Đến năm 2030, hệ thống sẽ có từ 10.000 – 16.300 MW điện lưu trữ (bao gồm thủy điện tích năng và pin lưu trữ), tăng mạnh lên hơn 95.000 MW vào năm 2050.
Đến năm 2030, điện than vẫn giữ vai trò quan trọng với khoảng 31.055 MW công suất, bao gồm các nhà máy đang vận hành và dự án đang xây dựng. Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định định hướng đến năm 2050 sẽ chấm dứt sử dụng điện than truyền thống, thay vào đó là điện sinh khối hoặc đốt bằng amoniac – tổng công suất thay thế lên đến 25.798 MW.
Nhiệt điện khí tiếp tục phát triển, ưu tiên sử dụng khí nội địa và mở rộng nhập khẩu LNG trong trường hợp nguồn khí trong nước suy giảm. Các dự án LNG sẽ được phát triển đồng bộ với hạ tầng nhập khẩu và hướng tới tích hợp hydrogen khi điều kiện thương mại cho phép. Tổng công suất điện LNG có thể đạt hơn 22.500 MW vào năm 2030 và chuyển sang hydrogen/CCS dần đến năm 2050.
Mở rộng xuất khẩu, tăng cường liên kết khu vực
Lần đầu tiên, Quy hoạch điện đề cập cụ thể tới chiến lược phát triển các nguồn điện tái tạo phục vụ xuất khẩu. Năm 2030, công suất xuất khẩu sang Campuchia tăng lên 400 MW. Giai đoạn 2035 – 2050, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000 – 10.000 MW sang Singapore, Malaysia và các nước trong khu vực, tùy theo nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế.
Về nhập khẩu, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường mua điện từ Lào và Trung Quốc. Dự kiến năm 2030 nhập khẩu khoảng 9.360 – 12.100 MW, trong đó ưu tiên đẩy sớm tiến độ với Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ.
Việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đánh dấu một bước ngoặt chiến lược, thể hiện quyết tâm chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, bền vững, đồng thời mở ra không gian đầu tư lớn cho các nhà phát triển dự án, nhất là trong lĩnh vực tái tạo, lưu trữ và công nghệ mới như hydrogen và điện hạt nhân.