Thương chiến trên Tiktok
Tuần này, hàng loạt nhà cung cấp Trung Quốc đã tràn ngập TikTok Mỹ, kêu gọi người tiêu dùng vượt qua mức thuế 245% mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc bằng cách mua hàng trực tiếp từ xưởng sản xuất.
Một tài khoản TikTok có tên Wang Sen tuyên bố rằng anh là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) cho nhiều thương hiệu xa xỉ nổi tiếng, xuất hiện trong video với phông nền là những chiếc túi Birkin đắt đỏ. OEM là những nhà sản xuất đứng sau sản phẩm, để các công ty khác gắn nhãn và phân phối dưới thương hiệu riêng.
“Tại sao bạn không liên hệ trực tiếp với chúng tôi? Giá mà chúng tôi có thể cung cấp cho bạn sẽ khiến bạn không thể tin nổi”, Wang nói trong đoạn video, sau đó đã bị TikTok gỡ bỏ.
Dù vậy, DHgate – một nền tảng bán sỉ Trung Quốc – bất ngờ leo lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng ứng dụng của Apple tại Mỹ, còn Taobao, nền tảng thương mại điện tử lâu đời của Trung Quốc, cũng lọt vào top 10.
Tuy nhiên, các chuyên gia được CNN phỏng vấn đều tỏ ra nghi ngờ về độ tin cậy của những tài khoản này, cho rằng khó có khả năng họ thực sự cung cấp sản phẩm cho những tên tuổi lớn như Lululemon hay Chanel. Các hãng lớn thường ký thỏa thuận bảo mật nghiêm ngặt với đối tác sản xuất, nên gần như không thể có chuyện họ công khai bán sản phẩm thật trên mạng.
Những đoạn video này không chỉ phản ánh sự lo ngại của người tiêu dùng trước các đòn thuế mới, mà còn cho thấy mức độ phụ thuộc của người mua sắm Mỹ vào chuỗi cung ứng Trung Quốc. “Đây mới chính là cách để tiến hành một cuộc chiến thương mại”, một người bình luận dưới video khoe quần legging giống Lululemon, thu hút hơn 1,5 triệu lượt thích.
TikTok đã không phản hồi khi được CNN yêu cầu bình luận.

Các tài khoản TikTok từ Trung Quốc tuyên bố họ có thể bán các mặt hàng xa xỉ hoặc có giá trị cao trực tiếp cho người Mỹ. Ảnh: CNN
Khách hàng không thực sự mua được hàng thật
Trong một video khác, tài khoản LunaSourcingChina giới thiệu hai nhà máy tại Nghĩa Ô – thành phố nổi tiếng với các chợ đầu mối – và tuyên bố rằng các sản phẩm thể thao của Lululemon có thể được mua tại đây với giá chỉ 5–6 USD, thấp hơn rất so với mức giá niêm yết gần 100 USD.
Lululemon nhanh chóng phủ nhận, tuyên bố rằng họ “không có bất kỳ liên hệ nào với các nhà máy được đề cập trong những video lan truyền đó” và khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với hàng giả cũng như thông tin sai lệch.
Hai nhà máy trên cũng không nằm trong danh sách đối tác chính thức được Lululemon công bố tháng 4/2025. Dù công ty có sử dụng một số nhà máy tại Trung Quốc, nhưng họ cũng hợp tác với nhiều nhà sản xuất ở Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia, bất kỳ nhà máy nào công khai bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ gần như chắc chắn không hợp pháp.
Hao Dong, Giảng viên cao cấp tại Đại học Southampton (Anh), cho biết các nhà sản xuất cho thương hiệu lớn thường bị ràng buộc bởi hợp đồng bảo mật nên những gì xuất hiện trên TikTok rất có thể chỉ là hàng nhái tinh vi – điều mà Lululemon từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo.
Sự thật phía sau hàng xa xỉ
Vậy, liệu những chiếc túi gắn mác Made in Italy hay Made in Switzerland có thực sự được sản xuất tại Trung Quốc? Câu trả lời là: Không rõ ràng. Theo Giáo sư Regina Frei tại Đại học Nghệ thuật London, nhiều thương hiệu xa xỉ sẽ lắp ráp trước một số bộ phận – như khóa kéo, phần cứng hay bao bì – tại Trung Quốc trước khi hoàn thiện sản phẩm tại Pháp hoặc Ý.
Dù vậy, chuỗi cung ứng của ngành hàng xa xỉ thường được bảo mật nên người tiêu dùng khó có thể biết chính xác nguồn gốc của từng thành phần. Ngay cả nhà máy tại châu Âu cũng có thể thuộc sở hữu hoặc điều hành bởi doanh nghiệp Trung Quốc.
Frei cho rằng, với các sản phẩm yêu cầu tay nghề thủ công cao, việc hoàn thiện thường vẫn diễn ra tại Pháp hoặc Ý. Tuy nhiên, nếu mua hàng từ các tài khoản TikTok hoặc kho hàng không chính thức, người tiêu dùng không thể đảm bảo về chất lượng, độ an toàn hay chính sách bảo hành, đổi trả.
Ngoài ra, chưa rõ các sản phẩm mua trực tiếp từ Trung Quốc này có thể “né” thuế quan 245% của Mỹ như thế nào. Dự kiến trong thời gian tới, chính sách miễn thuế de minimis – áp dụng cho các gói hàng trị giá dưới 800 USD – sẽ bị loại bỏ, khiến giá hàng hóa từ Temu, Aliexpress, v.v… tăng mạnh.
(Theo CNN)