Trong khi Honda Motor gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này lại tìm cách duy trì vị thế thống trị toàn cầu của mình thông qua kế hoạch điện khí hóa xe hai bánh tại thị trường Ấn Độ.
Theo Nikkei Asia, Honda sẽ dựa vào công nghệ động cơ đặc trưng và điện khí hóa. Chiến lược hai mũi nhọn đòi hỏi khoản đầu tư lớn, song cần thiết để chiếm lĩnh thị phần.
“Chúng tôi muốn nâng cấp theo mọi hướng, bao gồm các sản phẩm điện khí hóa và củng cố vị thế thị phần số 1 của mình”, Minoru Kato, người đứng đầu bộ phận kinh doanh xe máy của Honda, cho biết trong cuộc họp báo vào cuối tháng 1.
Minh chứng về sức mạnh động cơ của Honda đã xuất hiện vào tháng 10 năm 2024, khi hãng lần đầu tiên ra mắt xe máy thể thao nhiên liệu linh hoạt CB300F tại Ấn Độ. Động cơ chạy bằng E85, bao gồm xăng và tới 85% ethanol. CB300F sẽ được cung cấp tại Ấn Độ trong năm nay.
Thị trường xe điện của Ấn Độ đang mở rộng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Theo KPMG Consulting, vào năm 2023, số lượng xe hai bánh chạy điện được bán ra tại đây đã tăng vọt 35% lên 930.000 chiếc. Xe điện chiếm khoảng 6% xe hai bánh được bán ra tại Ấn Độ, thị phần tăng 5,3 điểm phần trăm trong 3 năm.
Các nhà sản xuất địa phương thống trị thị trường xe điện của Ấn Độ. Ola Electric Mobility cung cấp xe tay ga có giá khoảng 100.000 rupee (1.165 USD), trong khi Hero MotoCorp đã thành lập một thương hiệu dành riêng cho xe điện. Dòng sản phẩm bao gồm chiếc xe cho phạm vi hoạt động 165 km cho một lần sạc, có giá 115.300 rupee.
Honda là người đến sau. Công ty Nhật Bản bắt đầu bán những chiếc xe tay ga đầu tiên vào tháng 2, chậm hơn khoảng hai năm so với kế hoạch, một phần do vấn đề cấp chứng nhận. Xe tay ga điện có giá khoảng 100.000 rupee, ngang bằng với các đối thủ địa phương, nhưng phạm vi hoạt động tối đa chỉ 102 km.
Mặc dù vậy, Honda vẫn không chùn bước. Daiki Mihara, người đứng đầu bộ phận kinh doanh xe máy và sản phẩm điện của Honda, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu đạt vị trí số 1 ngay cả trong lĩnh vực điện”.
Honda đang gấp rút tung ra những chiếc xe hai bánh chạy điện có giá cả phải chăng so với các đối thủ cạnh tranh. Hãng có kế hoạch mở một nhà máy điện chuyên dụng vào năm 2028 tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ, đồng thời chuẩn hóa thiết kế cho các thành phần.
Dịch vụ khách hàng có thể sẽ trở thành lợi thế của Honda. Hãng đã xây dựng được mạng lưới khoảng 6.000 địa điểm bán hàng trên khắp Ấn Độ, cung cấp dịch vụ sau bán hàng và thay pin.

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang tìm cách duy trì vị thế thống trị toàn cầu thông qua kế hoạch điện khí hóa xe hai bánh.
Tại Ấn Độ, Honda đã xây dựng được lợi thế cạnh tranh. Nhà sản xuất ô tô này sẽ phải tận dụng lợi thế đó để mở rộng sang các thị trường đang phát triển là Philippines và Indonesia. Tại đây, Honda sẽ cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.
“Trung Quốc đang củng cố thương hiệu và tấn công vào châu Âu, tạo ra mối đe dọa”, Kato nói. “Mặc dù giá của họ thấp hơn giá của chúng tôi, nhưng chúng tôi không chịu thua”.
Xe máy là nguồn thu nhập chính của Honda. Phân khúc này đã ghi nhận lợi nhuận hoạt động là 501,6 tỷ yên (3,5 tỷ USD) trong ba quý tính đến tháng 12 năm 2024, cao hơn 99 tỷ yên so với ô tô. Biên lợi nhuận hoạt động 19% của phân khúc xe máy cũng vượt xa 4% so với phân khúc ô tô.
Honda đặt mục tiêu kiểm soát gần một nửa thị trường xe hai bánh toàn cầu vào năm 2030 và dự kiến nhu cầu sẽ tăng lên 60 triệu chiếc vào năm đó. Tăng trưởng ở thị trường Ấn Độ là điều cần thiết để đạt được mục tiêu này.
“Đối với Honda, xe máy là điểm khởi đầu”, Kato nói.
Trước đó, Honda công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ yen (tương đương hơn 3,3 tỷ USD) vào lĩnh vực xe máy điện từ nay đến năm 2030. Thông báo của Honda nêu rõ: “Để điện hóa xe máy, Honda đầu tư 100 tỷ yen trong 5 năm – từ 2021-2025, và sẽ đầu tư thêm 400 tỷ yen trong 5 năm từ 2026-2030.”
Honda cũng cho biết ban đầu sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có cho xe động cơ đốt trong, tuy nhiên sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động các nhà máy sản xuất xe máy điện từ khoảng năm 2027.
Theo công ty nghiên cứu MarkLines, doanh số bán xe máy trong năm tài chính 2023 đạt 17,97 triệu chiếc tại Ấn Độ, vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường lớn nhất thế giới. Nhu cầu về xe điện đang tăng do ô nhiễm không khí và giá dầu thô biến động.
Tuy nhiên, tại quốc gia này, lo ngại phạm vi hoạt động vẫn là rào cản lớn nhất ngăn cản người dân chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Ấn Độ đặt mục tiêu 30% ô tô tư nhân mới đăng ký sẽ là xe điện vào năm 2030, song theo Bain & Company, trong số khoảng 4,2 triệu xe chở khách được bán ra vào năm 2023, chỉ có chưa đến 2,5% là xe điện.
“Cơ sở hạ tầng sạc điện vẫn chưa được phát triển đầy đủ, tuy nhiên các công ty lại muốn có nhiều xe hơn trước khi bắt tay vào đầu tư. Mặt khác, những người mua xe điện tiềm năng trước tiên lại muốn có nhiều bộ sạc hơn trên đường”, Brajesh Chhibber, đối tác tại McKinsey India cho biết. “Đây giống như vấn đề con gà hay quả trứng, nên ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước”.
Mihir Sampat, đối tác tại Bain & Company ở Mumbai, cho biết các công ty sạc pin vẫn ngần ngại mở rộng cơ sở hạ tầng vì lo ngại rằng chúng không được sử dụng hết công suất. Sampat cho biết: “Việc vận hành một trạm sạc về cơ bản phụ thuộc vào mức độ sử dụng. Để làm được như vậy, chúng cần phải được đặt ở những khu vực có mật độ dân số EV đông đúc”.
Theo báo cáo được Bain công bố vào tháng 12/2023, có khoảng 200 xe điện trên mỗi điểm sạc thương mại ở Ấn Độ, so với khoảng 20 xe ở Mỹ và chưa đến 10 xe ở Trung Quốc.
Theo: Nikkei Asia, CNBC