Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Kế hoạch nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai.
Bộ đề xuất xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đáng chú ý là nghị định quy định nội dung, yêu cầu khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED), thay thế thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời hướng dẫn các bước thiết kế tiếp theo và cách quản lý chi phí theo mô hình này.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất hướng dẫn nghĩa vụ, quyền hạn các bên trong hợp đồng EPC, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, cùng các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp Việt Nam cung cấp hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt.
Các nghị định cũng sẽ bao gồm quy định về phát triển khoa học – công nghệ đường sắt, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, và hướng dẫn sử dụng, hoàn trả rừng phục vụ thi công tạm.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất Thủ tướng ban hành quyết định về danh mục hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt được đặt hàng trong nước; xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045, và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành, đảm bảo đủ nhân lực cho các khâu xây dựng, vận hành và bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao.
Cuối cùng, Bộ kiến nghị kiện toàn Ban Quản lý dự án chuyên ngành và tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tham gia triển khai và tiếp nhận vận hành dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được Quốc hội chốt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh thành với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD.
Toàn tuyến được đầu tư khổ đôi 1.435mm với tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2027.