spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc Tế'Bố già ngành sữa' của Trung Quốc làm nên chuyện nhờ phản...

‘Bố già ngành sữa’ của Trung Quốc làm nên chuyện nhờ phản bội lại lẽ thường

Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành người đứng đầu của đế chế kem 410 triệu USD, ‘bố già ngành sữa’ của Trung Quốc là câu chuyện về quyết tâm vượt lên trong kinh doanh.

Niu Gensheng (67 tuổi) là người sáng lập Tập đoàn Mengniu Dairy và thương hiệu kem Aice phổ biến khắp Đông Nam Á.

Sinh ra trong cảnh nghèo đói ở Nội Mông, một vùng phía bắc của Trung Quốc nổi tiếng với những đồng cỏ và sa mạc rộng lớn, cha mẹ của Niu đã phải vật lộn để kiếm sống.

Không thể chăm sóc con, họ đã bán ông cho một người nông dân với giá 50 nhân dân tệ (7 USD) ngay sau khi vừa chào đời. Năm 8 tuổi, cha nuôi của Niu mất hết tài sản sau một cuộc đấu tranh chính trị. Niu phải quét đường và làm việc khổ sai cùng ông. Một thời gian ngắn sau đó, cả cha mẹ nuôi của ông đều qua đời.

Năm 1983, Niu bắt đầu làm công nhân rửa bình tại một nhà máy sữa địa phương, sau này trở thành Yili, một trong những công ty sữa hàng đầu của Trung Quốc.

Trong thập kỷ tiếp theo, ông đã làm việc chăm chỉ để trở thành giám đốc xưởng, tích lũy được kiến thức sâu rộng về quy trình sản xuất sữa.

Đến năm 1992, Niu được thăng chức lên phó chủ tịch sản xuất và vận hành tại Yili, với mức lương hàng năm vượt 1 triệu nhân dân tệ (140.000 USD).

Mặc dù thành công, Niu vẫn đối mặt với những tin đồn và sự cạnh tranh khốc liệt tại Yili dẫn đến phải từ chức.

de che kem.jpg
Ông chủ đế chế sữa tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Nhưng ông không từ bỏ ước mơ xây dựng công ty sữa lớn nhất Trung Quốc.

Niu đã sử dụng kinh nghiệm và nguồn lực của mình để thành lập Mengniu Dairy vào năm 1999, với số vốn chỉ 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD).

Thời điểm đó, công ty cũ của ông là Yili có tài sản trị giá 1,2 tỷ nhân dân tệ (164 triệu USD).

Chiến lược tiếp thị độc đáo của Niu tập trung vào thị trường nông thôn, sử dụng quảng cáo bằng tiếng địa phương và giá thấp để thu hút khách hàng.

Đến năm 2004, doanh thu của Mengniu đạt 7,2 tỷ nhân dân tệ (985 triệu USD). Một năm sau, công ty đã vượt qua Yili để trở thành thương hiệu sữa hàng đầu Trung Quốc.

Niu cho rằng thành công của mình là nhờ “phản bội lại lẽ thường” trong kinh doanh.

Sau khi xây dựng đế chế Mengniu, Niu hướng đến thị trường Đông Nam Á, nơi mà nhiều doanh nhân khác đã bỏ qua.

Năm 2015, ông đã ra mắt Aice, một thương hiệu kem nhắm vào thị trường cấp thấp hơn của Indonesia.

Niu đã áp dụng cùng một chiến lược tập trung vào lợi nhuận nhỏ và khối lượng lớn, với mức giá dao động từ 900 đến 1.500 IDR, giúp kem có chất lượng phù hợp với túi tiền của mọi người.

Aice đã giới thiệu các hương vị phổ biến như kem cà phê sữa dừa và sầu riêng, đáp ứng sở thích văn hóa và tôn giáo của người dân địa phương.

Họ cũng cung cấp tủ đông miễn phí và tiền điện cho các cửa hàng nhỏ để hỗ trợ các nhà bán lẻ địa phương.

Hiện Aice hoạt động kinh doanh tại hơn 1.200 quận trên khắp Indonesia, với doanh thu hàng năm vượt hơn 3 tỷ nhân dân tệ (410 triệu USD), là thương hiệu kem hàng đầu Đông Nam Á.

Niu mô tả triết lý kinh doanh của mình rằng: “Cuộc cách mạng tiêu dùng thực sự không phải là làm cho người giàu trở nên xa hoa hơn, mà là cho phép người nghèo sống một cách đàng hoàng”.

Bên cạnh thành công trong kinh doanh, Niu còn tham gia sâu vào hoạt động từ thiện, tài trợ cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Nội Mông và giúp xây dựng trường học trên khắp Trung Quốc.

Một người có tài khoản trên mạng xã hội bình luận: “Từ một trang trại bò sữa ở Nội Mông đến một nhà máy kem ở Jakarta, Niu đã dành 40 năm để chứng minh triết lý kinh doanh hướng tới bình đẳng giữa người tiêu dùng và sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của con người”.

>> Nhìn lại vụ ‘ông lớn’ ngành sữa bị truy tố hình sự vì bán sữa nhiễm khuẩn Salmonella: Thu hồi 12 triệu hộp sữa tại 80 quốc gia, Bộ Y tế Việt Nam ra thông báo khẩn

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật