Theo New York Times, một người đàn ông tại Hà Lan được xác định đã vô tình trở thành cha của ít nhất 125 đứa trẻ thông qua hoạt động hiến tặng tinh trùng – theo dữ liệu vừa được công bố từ một sổ đăng ký Hà Lan.
Sổ đăng ký này được thiết lập để theo dõi số lượng người hiến tinh trùng trên toàn quốc, nhằm ngăn chặn tình trạng hiến tặng tràn lan. Kết quả ban đầu cho thấy có ít nhất 85 người hiến tặng tinh trùng hàng loạt, với mỗi người có thể có hơn 25 con sinh học.
Phát hiện này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ quan hệ cận huyết và dị tật di truyền, khi những đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng hiến tặng lớn lên và có khả năng gặp nhau, kết hôn hoặc sinh con mà không biết mối quan hệ huyết thống.

Trong thư gửi Quốc hội Hà Lan ngày 14/4, ông Vincent Karremans – Bộ trưởng Thanh niên, Phòng chống tội phạm và Thể thao – thừa nhận yếu kém trong hệ thống giám sát và lưu trữ dữ liệu tại các phòng khám hiếm muộn đã dẫn đến tình trạng trên. Một số người hiến tặng không biết rằng tinh trùng của họ đã được sử dụng để sinh ra hàng chục đứa trẻ.
Một đạo luật mới, có hiệu lực từ ngày 1/4, yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng tinh trùng hiến tặng nhằm ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
“Tôi vô cùng tiếc khi những hành vi thái quá như vậy bị phát hiện”, ông Karremans nói, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với các bậc phụ huynh – những người có thể không hề hay biết con mình có hàng chục anh chị em cùng cha khác mẹ.
Từ năm 2018, luật pháp Hà Lan đã giới hạn số trẻ em được sinh ra từ mỗi người hiến tặng tinh trùng là 12. Trước đó, con số này là 25. Tuy nhiên, các trường hợp hiến tặng tràn lan vẫn xảy ra, phần lớn do lỗ hổng trong việc quản lý và lưu trữ thông tin tại các phòng khám sinh sản.
Dữ liệu từ sổ đăng ký quốc gia cho thấy, từ năm 2004 đến 2018 – giai đoạn đầu tiên mà các phòng khám có hồ sơ đầy đủ – đã có gần 24.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng tinh trùng hiến tặng. Dù Hà Lan đã ban hành hướng dẫn lưu trữ thông tin người hiến từ năm 1992, nhưng việc thực hiện vẫn còn lỏng lẻo, theo Donorkind – một tổ chức tình nguyện hỗ trợ các gia đình sử dụng tinh trùng hiến tặng.
“Đối với những đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng, tình hình hiện tại thật sự hỗn loạn,” bà Inge Poorthuis, thành viên hội đồng quản trị của Donorkind, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Tổ chức này đã tiếp nhận nhiều chia sẻ từ các bà mẹ đau khổ, cũng như từ chính những người hiến tặng – những người đang bị choáng ngợp bởi thực tế rằng họ có thể là cha sinh học của hàng chục, thậm chí hàng trăm đứa trẻ.
Ngày 15/4, tổ chức Donorkind đã gửi thư tới Quốc hội Hà Lan, kêu gọi chính phủ công bố số liệu chính xác về số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng hiến tặng hàng loạt. Tổ chức này cũng đề nghị chính phủ xem xét siết chặt quy định đối với việc nhập khẩu tinh trùng hiến tặng từ nước ngoài vào Hà Lan, nhằm đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của các bên liên quan.
Ngành công nghiệp hiến tặng tinh trùng đã phát triển mạnh trên toàn cầu kể từ năm 1978, thời điểm đứa trẻ đầu tiên được sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, dù mở rộng nhanh chóng, lĩnh vực này lại thiếu sự quản lý hiệu quả. Một số quốc gia như Hà Lan đã đặt ra giới hạn về số lượng trẻ em có thể được sinh ra từ mỗi người hiến tặng, nhưng đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn quốc tế nào điều chỉnh hoạt động này – ngay cả khi tinh trùng hiến tặng đang được xuất khẩu trên quy mô toàn cầu.
Sự thiếu thống nhất về quy định khiến cho tiêu chuẩn giữa các quốc gia và các phòng khám chênh lệch đáng kể. Tại Hà Lan, phần lớn người hiến tặng chỉ nhận được khoản thù lao mang tính tượng trưng – thường dưới 100 USD cho mỗi lần hiến – trong khi các bậc cha mẹ tương lai có thể phải trả hàng nghìn USD cho các phòng khám sinh sản.

Donorkind hiện cũng đang xem xét khả năng khởi kiện một số phòng khám tư nhân, cho rằng các cơ sở này đã không tuân thủ quy định và cần bị giám sát chặt chẽ hơn. Ngành này đã chịu nhiều áp lực dư luận trong những năm gần đây, đặc biệt sau hai vụ bê bối nghiêm trọng liên quan đến những người đàn ông cố tình làm cha của hàng trăm đứa trẻ. Một trong số đó là trường hợp của Jonathan Jacob Meijer – người được cho là cha sinh học của hơn 500 đứa trẻ trên khắp thế giới – từng là tâm điểm trong một loạt phim tài liệu của Netflix.
“Ngành công nghiệp này đang đặt lợi nhuận lên trên hết,” bà Inge Poorthuis nhận định. “Họ không thực sự cẩn trọng trong việc tạo ra sự sống.”
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 14/4, Hiệp hội Sản phụ khoa Hà Lan cho biết, dữ liệu từ sổ đăng ký mới cho thấy một số phòng khám đã phớt lờ hướng dẫn hiện hành. Các cơ sở này bị cáo buộc cố tình sử dụng cùng một người hiến tặng cho nhiều trường hợp, thậm chí chia sẻ tinh trùng giữa các phòng khám mà không thực hiện kiểm tra chéo đầy đủ.
Tham khảo BNN