spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpBa đại gia ‘phố núi’ lừng lẫy một thời giờ ra sao?

Ba đại gia ‘phố núi’ lừng lẫy một thời giờ ra sao?

Từng là những đại gia “phố núi” lừng lẫy một thời, Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai đều gặp phải những thăng trầm trong hoạt động kinh doanh.

Hoàng Anh Gia Lai lãi lớn

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025. Cụ thể, doanh thu của HAG đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 341 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của Hoàng Anh Gia Lai, lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chuối tăng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính – chủ yếu là lãi vay của công ty – cũng được giảm bớt nhờ trả được phần lớn nợ trái phiếu và hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết mặt hàng chuối của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Công ty hoàn toàn không xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ nên không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump.

Tính đến thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của HAGL vào khoảng 23.478,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hơn 9.743 tỷ đồng, nợ phải trả 12.735 tỷ đồng. Công ty còn lỗ lũy kế gần 83 tỷ đồng.

bau duc .jpg
Hoàng Anh Gia Lai đã bán nhiều tài sản để trả nợ.

Trong văn bản giải trình về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, HAGL cho hay, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của HĐQT, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng so với mức hiện tại, cải thiện vận hành, tiến tới xóa lỗ lũy kế.

HAGL cũng vừa công bố việc chậm thanh toán khoản lãi hơn 118 tỷ đồng của lô trái phiếu HAGLBOND16.26 do chưa thu xếp được nguồn vốn (thời hạn thanh toán là cuối tháng 3/2025). Khoản lãi này sẽ được gia hạn đến thời điểm đáo hạn trái phiếu.

Đức Long Gia Lai chậm thanh toán trái phiếu

Một doanh nghiệp “phố núi” khác là CTCP Đức Long Gia Lai (mã DLG) cũng vừa công bố thông tin về việc chậm trả lô trái phiếu có giá trị phát hành 134 tỷ đồng, với giá trị dư nợ gốc theo mệnh giá cuối kỳ là 56 tỷ đồng, ngày thanh toán là 31/3. Số tiền chưa thanh toán hơn 36,8 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền. Đức Long Gia Lai đang thương thảo với nhà đầu tư.

Tính đến ngày 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của Đức Long Gia Lai đạt 751,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 2.456 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là 3.596 tỷ đồng, trong đó vay nợ từ phát hành trái phiếu là 417 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong năm tài chính đạt 244 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 2.664 tỷ đồng.

Năm ngoái, Đức Long Gia Lai bị Lilama 45.3 yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ vì khoản nợ hơn chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, HĐQT Đức Long Gia Lai đã ra nghị quyết bán toàn bộ 97,73% vốn (tương đương khoản đầu tư 249 tỷ đồng) đang sở hữu tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực linh kiện điện tử. Đây là công ty đã đóng góp chính vào doanh thu của Đức Long Gia Lai từ năm 2016.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG chỉ còn 2.050 đồng/cổ phiếu, chưa bằng giá một cốc trà đá.

Ông Bùi Pháp là người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Đức Long Gia Lai.

Quốc Cường Gia Lai có tin vui

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai được đưa ra khỏi danh sách hạn chế margin do đã khắc phục nguyên nhân vi phạm.

Mới đây, công ty này công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024, với lợi nhuận sau thuế đạt gần 82 tỷ đồng, chênh gần 14% so với con số trên báo cáo tự lập.

Nguyên nhân điều chỉnh chủ yếu do công ty tính lại giá trị khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu sau khi chuyển nhượng cổ phần tại một công ty liên kết.

Liên quan tới dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, công ty vẫn đang triển khai thực hiện các bước thủ tục nhằm hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành, đồng thời tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho phần diện tích còn lại. Cơ quan Thi hành án đang kê biên tài sản là một số hồ sơ gốc về đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án để phục vụ cho việc đảm bảo thi hành án liên quan tới số tiền 2.882,8 tỷ đồng.

Theo Quốc Cường Gia Lai, tình hình sản xuất kinh doanh đang ổn định và tập đoàn vẫn đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn, duy trì khả năng hoạt động liên tục trong tương lai.

Năm ngoái, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô-la) nhận ghế Tổng giám đốc thay mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan. Bà Loan bị khởi tố vào tháng 7/2024 do liên quan đến việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.

Trong hơn thập kỷ qua, QCG cũng có nhiều tai tiếng không chỉ liên quan tới các dự án doanh nghiệp này triển khai mà còn là nhiều vi phạm liên quan tới công bố thông tin.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật