spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếLo Đông Nam Á trở thành ‘điểm tập kết’ hàng giá rẻ...

Lo Đông Nam Á trở thành ‘điểm tập kết’ hàng giá rẻ Trung Quốc

Các chuyên gia cảnh báo Đông Nam Á cần nhanh chóng thúc đẩy tự do hóa thương mại nội khối và mở rộng quan hệ với các thị trường ngoài khu vực để đối phó với tác động lan rộng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ

Trước các mức thuế mới do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt, các chuyên gia khuyến nghị Đông Nam Á cần đẩy mạnh thương mại nội khối và mở rộng quan hệ kinh tế với các đối tác ngoài khu vực như châu Âu, Ấn Độ và các nước vùng Vịnh.

Nhiều doanh nhân và nhà phân tích nhận định, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN – đặc biệt là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Indonesia – sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế quan mới của Washington.

Lo Đông Nam Á trở thành ‘điểm tập kết’ hàng giá rẻ Trung Quốc - ảnh 1
Mức thuế quan đối ứng mới của Mỹ lên các nền kinh tế trong khối ASEAN, được Nhà Trắng công bố vào ngày 3/4 (giờ địa phương)

Ông Ong Kian Ming, Phó Hiệu trưởng Đại học Taylor (Malaysia) và cựu Thứ trưởng Thương mại nước này, cho rằng ASEAN nên thúc đẩy hội nhập khu vực sâu rộng hơn, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế ngoài khối.

Ông nhấn mạnh việc tham gia tích cực hơn vào các hiệp định như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như cải thiện hiệu quả thực thi các chính sách và hiệp định hiện hành, trong đó có các thỏa thuận với Ấn Độ.

RCEP và CPTPP là hai hiệp định thương mại lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với sự tham gia của lần lượt 15 và 12 quốc gia, không bao gồm Mỹ.

Tại Úc, Hiệu trưởng Đại học Queensland – ông Peter Varghese – nhận định chiến lược hiệu quả nhất hiện nay là tìm kiếm mọi cơ hội kinh tế, vừa bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, vừa đẩy mạnh tăng trưởng và sức mạnh kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. “Đối với Đông Nam Á, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục và đẩy nhanh tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong nội khối ASEAN, bởi hiệu quả của nó là rõ ràng”, ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ASEAN đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi muốn duy trì thế cân bằng chiến lược nhưng lại thiếu khả năng đóng góp thực chất vào quá trình định hình sự cân bằng đó – một phần do lập trường không liên kết truyền thống.

Trong khi đó, nghị sĩ Malaysia Wong Chen – Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Quan hệ quốc tế của Quốc hội nước này – nhấn mạnh, ASEAN cần mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt hướng đến châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh.

Lo Đông Nam Á trở thành ‘điểm tập kết’ hàng giá rẻ Trung Quốc - ảnh 2
Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế mới của Mỹ

Một hệ quả không mong muốn từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc có thể là làn sóng bán phá giá hàng hóa Trung Quốc tràn sang các thị trường khác. Giới phân tích cảnh báo điều này sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh với các quốc gia ASEAN – những nền kinh tế có cấu trúc công nghiệp tương đồng. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh được xem là ưu tiên chiến lược.

Ông Michael Green – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Úc, đồng thời là cựu Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush – nhận định rằng ASEAN nên đối phó với làn sóng bảo hộ thương mại bằng cách đẩy mạnh tự do hóa.

“Theo lý thuyết thương mại tự do, việc ASEAN thúc đẩy tự do hóa sẽ giúp khu vực này có thêm quyền tự chủ và đòn bẩy kinh tế”, ông Green nói, đồng thời thừa nhận điều này không dễ thực hiện trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng. “Cần có ý chí và vai trò lãnh đạo chính trị rõ ràng để thúc đẩy tự do hóa trong thời điểm như hiện nay.”

Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng DBS (trụ sở tại Singapore) đánh giá rằng Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là ba nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng thuế quan mới, dựa trên thị phần xuất khẩu sang Mỹ và mức độ chênh lệch thuế quan song phương. Singapore, Indonesia và Philippines được đánh giá có mức rủi ro trung bình.

DBS cũng cảnh báo rằng ngoài tác động trực tiếp từ thuế, các nền kinh tế ASEAN sẽ đối mặt với nguy cơ gián tiếp từ tăng trưởng chậm lại của hai đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Báo cáo nhận định Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia có khả năng chịu rủi ro cao nhất về tăng trưởng kinh tế, trong khi Indonesia và Philippines – với cấu trúc kinh tế hướng nội nhiều hơn – sẽ chịu tác động nhẹ hơn.

Tham khảo Nikkei Asia

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật