Sáng 21/4, chỉ sau ít giờ mở cửa giao dịch, nhiều cửa hàng ở Hà Nội đã đồng loạt thông báo hết vàng miếng và vàng nhẫn, chỉ còn vàng trang sức. Nhiều khách đến xếp hàng chờ nhưng vẫn không thể mua. Cửa hàng cho biết hiện chỉ bán vàng trang sức và mua lại vàng của khách.
Liên tiếp những ngày gần đây, các cửa hàng cũng chỉ bán nhỏ giọt cho khách với lý do hết vàng. Mỗi khách thường chỉ được mua 1 chỉ vàng nhẫn mỗi ngày, trong khi vàng miếng đã hết.

Một cửa hàng ở Hà Nội thông báo hết vàng ngay từ sáng 21/4. (Ảnh: Minh Đức)
Tình trạng này khiến nhiều người đặt nghi vấn: Có thật sự thị trường đang khan hiếm vàng hay do cửa hàng “găm” lại để tạo “sốt ảo”?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thiếu vàng hiện nay là có thật.
“Nguồn cung vàng đang rất giới hạn, cả vàng miếng cũng như vàng nhẫn. Ngân hàng Nhà nước thời gian qua chỉ tập trung bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC, chứ không bán ra cho nhiều đơn vị khác. Do đó, các cửa hàng vàng có thể không có vàng để bán.
Chủ yếu hiện giờ họ chỉ thu mua để tăng lượng vàng tích trữ, từ đó mới có thể bán trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh vàng liên tục tăng giá và tâm lý người dân là càng tăng thì càng mua nên lượng vàng bán ra từ người dân không nhiều. Lượng cung của các cửa hàng vì thế không được cải thiện rõ rệt” , ông Hiếu nói.
Một nguyên nhân nữa là trước đây, khi chưa siết chặt các quy định, doanh nghiệp có thể mua vàng trôi nổi trên thị trường, nguồn cung tương đối dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay lượng vàng trôi nổi bị kiểm soát nên các doanh nghiệp thường mua vàng của chính họ hoặc các loại vàng thương hiệu khác mà người dân đem bán có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng.
Trong khi đó thời gian qua, người dân cũng chủ yếu mua vào chứ không bán ra. Các yếu tố này làm cho vàng nguyên liệu ngày càng khan hiếm.
Tuy vậy ông Hiếu nhận định, cũng không hoàn toàn loại trừ một nguyên nhân khác khiến vàng khan hiếm là do nhiều tiệm vàng có thể găm vàng chờ giá tăng thêm để bán ra với việc nới rộng khoảng cách mua – bán vàng, nhằm hưởng lợi nhiều hơn. Hoặc việc găm giữ sẽ càng tạo thêm sức nóng cho vàng, kích thích người dân tăng mua.
” Hiện tượng này hoàn toàn có thể xảy ra trên thị trường vàng hay bất cứ thị trường nào khác mỗi khi mặt hàng giao dịch nóng sốt như hiện nay “, ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi, cũng nhận định việc khan hiếm vàng tại các cửa hàng là điều có thể hiểu được. Nguồn cung vàng bị hạn chế, đặc biệt là vàng miếng, do việc nhập khẩu và phân phối chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Các đơn vị kinh doanh vàng phụ thuộc vào nguồn vàng hiện có và khả năng nhập mới, do đó khi nhu cầu tăng đột biến, có thể xảy ra tình trạng cung không đáp ứng kịp cầu.
Ngoài ra, khi giá vàng tăng nhanh, tâm lý của nhà đầu tư có thể bị tác động, dẫn đến nhu cầu mua tăng đột biến trong thời gian ngắn. Hiệu ứng “sợ bỏ lỡ cơ hội” (FOMO) có thể làm gia tăng áp lực cầu, khiến thị trường có dấu hiệu mất cân đối tạm thời.

Vàng càng tăng giá, người dân càng kéo đi mua đông hơn. (Ảnh: Minh Đức)
Làm gì để cải thiện nguồn cung vàng?
Theo các chuyên gia kinh tế, trước tiên người dân tránh đổ xô đi mua vàng, để làm vàng bớt nóng thêm và giảm sự khan hiếm.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và bền lâu nhất theo TS. Nguyễn Trí Hiếu là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng trong nước có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng và lại đang xa dần thế giới.
Ngoài ra, cần xem xét việc thiết lập sàn giao dịch vàng chính thức. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch một cách minh bạch, hợp pháp.
Việc thành lập sàn giao dịch vàng cũng được cho là sẽ hỗ trợ quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu các giao dịch vàng qua “chợ đen” và tăng cường minh bạch cho thị trường.
Ông Nguyễn Quang Huy nêu quan điểm, Việt Nam cần có chiến lược quản lý vàng mang tính linh hoạt, minh bạch và đồng bộ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế đầu cơ và tránh nguy cơ “vàng hoá” nền kinh tế trong một thế giới ngày càng khó lường.
Ông Huy phân tích, chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế ở mức cao khiến người dân cảm thấy vàng là kênh “lưu trữ tài sản an toàn”, dẫn đến xu hướng “găm vàng”, hạn chế dòng vốn luân chuyển.
“Tuy nhiên, việc “vàng hoá” chưa lan rộng do Ngân hàng nhà nước vẫn kiểm soát vàng miếng, tiền đồng vẫn ổn định, kênh chứng khoán và bất động sản vẫn thu hút dòng tiền. Nhưng nếu chênh lệch tiếp tục nới rộng, người dân ngày càng đổ xô đi mua tích trữ vàng thì ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và làm suy giảm hiệu quả điều hành tiền tệ”, ông Huy nói.
Ông Huy cũng cho rằng, trước diễn biến toàn cầu bất định, người dân lo ngại mất giá tiền đồng hoặc rủi ro hệ thống, dẫn đến giảm gửi tiết kiệm, tăng tích trữ vàng vật chất và tâm lý phòng thủ gia tăng. “Nguyên nhân là do chúng ta thiếu một số công cụ phòng ngừa rủi ro chuyên nghiệp”, ông Huy nói.