spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhÔng Trump đưa thuế quan vào màn "đấu súng": Chiến lược chiến...

Ông Trump đưa thuế quan vào màn "đấu súng": Chiến lược chiến tranh thương mại của Trung Quốc dần lộ diện

Trung Quốc đã gửi trả máy bay Boeing, hạn chế nhập khẩu phim Hollywood và đình chỉ xuất khẩu một loạt các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) từng đưa tin, Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 11/4 ra thông báo về việc điều chỉnh thuế quan từ 84% lên 125% đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 12/4.

“Với mức thuế quan hiện tại, hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã không còn khả năng được thị trường chấp nhận; Trung Quốc sẽ không quan tâm nếu Mỹ tiếp tục áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ”, ủy ban này cho biết.

Ông Trump đưa thuế quan vào màn "đấu súng": Chiến lược chiến tranh thương mại của Trung Quốc dần lộ diện- Ảnh 1.

Tính đến cuối năm 2024, một nửa đội bay nội địa của hãng hàng không China Southern Airlines là máy bay Boeing. Ảnh: Nikkei

Tuy vậy, theo trang tin Semafor (Mỹ), chiến lược chiến tranh thương mại của Trung Quốc đang có sự thay đổi: Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng các vũ khí phi thuế quan để gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ, cụ thể là các công ty Mỹ.

Trung Quốc đã gửi trả máy bay Boeing, hạn chế nhập khẩu phim Hollywood và đình chỉ xuất khẩu một loạt các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất.

Các nhà phân tích lập luận rằng động thái đó cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào để không chỉ vượt qua “cơn bão” thuế quan này mà còn chiếm ưu thế trong ảnh hưởng của nước này đối với thương mại toàn cầu. Và Bắc Kinh còn nhiều “vũ khí” hơn nữa, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định đẩy mạnh chiến tranh thương mại.

Chiến lược của Bắc Kinh thể hiện một hình thức trả đũa mới

Reuters (Anh) đưa tin, đối với trường hợp của Boeing, máy bay của hãng này đang được trả về Mỹ sau khi chính phủ Trung Quốc được cho là đã yêu cầu các hãng hàng không của nước này ngừng nhận hàng.

Lãnh đạo một số hãng hàng không Trung Quốc nói rằng họ sẽ ngừng tiếp nhận máy bay thay vì trả thuế.

Theo Reuters, căng thẳng thuế quan và việc thay đổi kế hoạch bàn giao máy bay có thể đẩy Boeing vào tình trạng khó khăn.

Trong khi đó, tờ Financial Times (Anh) đưa tin, lệnh hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng của Trung Quốc có thể gây tổn hại đến các nhà sản xuất ô tô và công nghệ y tế của Mỹ. Hoạt động sản xuất có thể dừng lại trong vòng vài tháng tới nếu hết khoáng sản dự trữ.

“Đây là một hình thức trả đũa mà chính phủ Trung Quốc có thể nói ‘Được rồi, chúng tôi sẽ không trả đũa thuế quan nữa nhưng… chúng tôi sẽ khuyến khích các công ty cầu xin chính quyền sở tại thay đổi chính sách thuế quan'”, một giám đốc điều hành cấp cao trong ngành ô tô Mỹ cho biết.

Ông Trump “đưa thuế quan vào màn đấu súng”

Semafor dẫn lời một số nhà phân tích cho biết, sau khi bị bất ngờ bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động vào năm 2018, lần này Bắc Kinh đã thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tấn công vào điểm yếu của Washington và cho thấy khả năng chịu đựng lớn hơn.

Nicholas Kristof của tờ New York Times viết rằng Tổng thống Trump có thể trở nên “tuyệt vọng nếu muốn chấm dứt xung đột thương mại”. Kristof lập luận rằng với việc Bắc Kinh sử dụng các biện pháp phi thuế quan, có mục tiêu chống lại Mỹ, Tổng thống Trump đang “đưa thuế quan vào màn súng”.

Tờ The Atlantic (Mỹ) viết, Trung Quốc vẫn có thể gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ, bằng cách hạn chế các công ty lớn như Tesla kinh doanh. Với khả năng leo thang của Bắc Kinh, có vẻ như “ông Trump cuối cùng sẽ buộc phải lùi bước”, tạp chí này nhận định.

Ông Trump đưa thuế quan vào màn "đấu súng": Chiến lược chiến tranh thương mại của Trung Quốc dần lộ diện- Ảnh 2.

Tờ The Atlantic (Mỹ) nhận định, với khả năng leo thang của Bắc Kinh, có vẻ như “ông Trump cuối cùng sẽ buộc phải lùi bước”. Ảnh: Reuters

Doanh nghiệp Trung Quốc xoay trục để vượt qua “cơn bão” thuế quan

Trong khi nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ, Bắc Kinh cũng đang hành động để cô lập ảnh hưởng của thuế quan đối với nền kinh tế trong nước đang bị bao vây của mình.

Dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc, một số gã khổng lồ thương mại điện tử của nước này, bao gồm Alibaba và JD.com, đã phát động một chiến dịch toàn quốc để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc chuyển sang bán hàng trong nước, trong đó một phần động lực là chủ nghĩa dân tộc.

“Cảm giác đoàn kết chống Mỹ đã thúc đẩy mọi công ty Trung Quốc làm bất cứ điều gì có thể”, một cố vấn thương mại điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh nói với tờ Financial Times (Anh).

Việc này cũng phù hợp với nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tiêu dùng và nhu cầu trong nước sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp; và sự xoay trục của các công ty “phù hợp với tham vọng này”, bản tin kinh tế Trung Quốc Peking Ensight lưu ý.

Tuy nhiên, theo Peking Ensight, một số công ty Trung Quốc chuyên phục vụ khách hàng nước ngoài có thể gặp khó khăn trong việc phục vụ người tiêu dùng trong nước vẫn còn thận trọng với việc chi tiêu.

 (Theo Semafor, CCTV)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật