spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTS Cấn Văn Lực: Tiền gửi sẽ là kênh trú ẩn tích...

TS Cấn Văn Lực: Tiền gửi sẽ là kênh trú ẩn tích cực năm nay, bất chấp lãi suất thấp

Trong bức tranh thị trường tài chính Việt Nam năm 2025, nhóm chuyên gia cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ ổn định hơn. Tỷ giá diễn biến giằng co, mức biến động khoảng 3-4% trong năm nay.

Sáng ngày 22/4/2025 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”. Báo cáo là sản phẩm duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quỹ đầu tư.

Trình bày báo cáo tại Hội thảo, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, bối cảnh quốc tế năm 2025 có nhiều biến động hơn năm ngoái sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại (đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan) và đầu tư quốc tế. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là từ bối cảnh quốc tế.

Theo đó, mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ. Với kịch bản cơ sở (xác suất 60%), giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20-25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5-7%. Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%. Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5-6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4-4,5%.

Với bối cảnh quốc tế và trong nước như nêu trên, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14-15% (do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường BĐS phục hồi còn chậm với giá BĐS còn cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân).

NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thức đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, lãi suất được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm nhẹ theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN (dù lãi suất huy động vốn tăng ở một số thời điểm, khiến biên lợi nhuận của các TCTD thấp hơn năm 2024).

Tỷ giá USD/VND dự báo còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3-4% trong cả năm. Hiện nay có cả yếu tố thúc đẩy USD tăng giá và cả yếu tố khiến USD giảm giá. Có nhiều yếu tố khiến USD giảm giá, đó là kinh tế mỹ khó khăn hơn và kỳ vọng FED giảm lãi suất.

TS Cấn Văn Lực cho biết, năm 2024, thanh khoản thị trường ngân hàng có xu hướng thu hẹp do tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động vốn; các tỷ lệ thanh khoản như cho vay/vốn huy động (LDR) và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn của các TCTD tăng cao.

Năm 2025, với kịch bản cơ sở, TS Lực cho rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định nhờ: (i) NHNN tiếp tục thực hiện CSTT chủ động, linh hoạt với ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (ii) giải ngân đầu tư công tăng mạnh và FDI duy trì; (iii) rủi ro thị trường tài chính quốc tế và trong nước gia tăng (do CS thuế quan) có thể khiến dòng tiền tìm tới kênh tiền gửi (như là kênh an toàn).

Dự báo, tăng trưởng huy động vốn năm 2025 dự báo ở mức khoảng 12-13%; tín dụng tăng 14-15%. Ông Lực nói, trong bối cảnh rủi ro, thì kênh tiền gửi là kênh trú ẩn tích cực, dù lãi suất tương đối thấp.

Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng tích cực (15-20%), thấp hơn nhiều so với năm 2024. Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và kết quả của doanh nghiệp niêm yết khả quan. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo sẽ tích cực hơn khi các tác động tiêu cực của siêu bão Yagi dần được giải quyết và niềm tin phục hồi.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật