spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChuyện gì xảy ra nếu ông Trump có thể sa thải Chủ...

Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump có thể sa thải Chủ tịch Fed?

USD, chứng khoán và trái phiếu chính phủ Mỹ có thể bị bán tháo khi Fed không còn còn khả năng hoạt động độc lập, theo cảnh báo của giới chuyên gia.

Vài ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp thể hiện sự bất mãn với Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, đặc biệt sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất hôm 17/4. Năm ngoái, Fed giảm lãi 3 lần, sau đó dừng lại từ đầu năm nay, để theo dõi thêm tình hình lạm phát.

Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social rằng Powell đang “quá chậm chạp và sai lầm”, đồng thời phàn nàn “việc chấm dứt nhiệm kỳ không diễn ra đủ nhanh”. Trong một sự kiện tại Nhà Trắng cùng ngày, ông tuyên bố có thể khiến Powell rời khỏi chức vụ này “rất nhanh”. Ngày 18/4, Tổng thống Mỹ tiếp tục chỉ trích việc Fed vẫn chưa giảm lãi suất. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết nhóm của ông đang nghiên cứu khả năng khiến Powell rời chức Chủ tịch Fed.

Tháng 11/2024, trong một cuộc họp báo của Fed, khi được hỏi liệu có từ chức nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định: “Không”. Powell cho biết trước báo giới rằng vị trí tổng thống Mỹ không có quyền sa thải hay giáng chức ông. “Điều này không được quy định trong luật pháp”, ông giải thích.

Theo Đạo luật Cục Dự trữ Liên bang năm 1913, Tổng thống Mỹ chỉ có thể sa thải các thống đốc Fed nếu “có lý do chính đáng”, không phải vì bất đồng chính sách hay chính trị. “Lý do chính đáng” không được luật này định nghĩa cụ thể, nhưng được hiểu gồm “thiếu năng lực, xao nhãng nhiệm vụ hoặc hành vi sai trái khi đương chức”. Quốc hội Mỹ trao vị thế này cho Fed để đảm bảo cơ quan này đưa ra các quyết định liên quan đến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng mà không bị chính trị can thiệp.

Bất đồng giữa Trump và Powell đã tồn tại từ nhiều năm trước, dù chính ông Trump là người đề cử Powell vào vị trí Chủ tịch Fed. Trump dần bất mãn với Powell vì Fed liên tục nâng lãi suất, và không giảm lãi vào những thời điểm mà Tổng thống Mỹ cho là phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông Trump khi đó cũng dọa sa thải Powell nhưng không thực hiện, một phần vì Fed vẫn hạ lãi suất, dù không nhanh và mạnh tay như Tổng thống muốn, phần vì các trở ngại pháp lý tiềm ẩn.

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell năm 2017. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã rất khác. Lần này, ông nắm trong tay quyền lực lớn hơn bao giờ hết, với đội ngũ người trung thành được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền. Trump từ lâu đã thể hiện sẵn sàng phá vỡ các chuẩn mực và tiền lệ, trong đó có việc trao quyền cho tỷ phú Elon Musk sa thải công chức liên bang thông qua Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Từ khi nhậm chức tháng 1/2025, Trump cũng sa thải nhiều quan chức phụ trách các cơ quan độc lập khác. Các động thái này đã khiến ông Trump bị khởi kiện.

Nếu đội ngũ của ông Trump tìm được cách khiến Powell rời khỏi chức Chủ tịch Fed, việc này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế, chính trị và pháp lý, theo cảnh báo của giới chuyên gia. Việc Fed hoạt động độc lập với Nhà Trắng từ lâu đã được coi là thiết yếu đối với sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu.

“Tôi không đồng ý với Powell trong nhiều vấn đề, cả về quy định lẫn lãi suất. Nhưng hãy nhớ điều này: Nếu Chủ tịch Powell có thể bị Tổng thống Mỹ sa thải, thị trường sẽ sụp đổ”, Elizabeth Warren – nghị sĩ hàng đầu tại Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ cho biết hôm 17/4. Bà giải thích rằng bệ đỡ cho thị trường chứng khoán Mỹ và cả kinh tế toàn cầu “là niềm tin rằng các định chế quan trọng vận hành độc lập với chính trị”.

Trong phiên giao dịch 21/4, cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều giảm mạnh, do nhà đầu tư lo ngại khả năng Fed có thể tiếp tục hoạt động độc lập. DJIA giảm 971 điểm, tương đương 2,48%. S&P 500 mất 2,36% và Nasdaq Composite giảm 2,55%.

Đôla Mỹ cũng mất giá suốt một tháng qua trong bối cảnh niềm tin của giới đầu tư vào kinh tế Mỹ lung lay, sau hàng loạt phát biểu công kích của ông Trump nhằm vào Powell. Dollar Index hiện chỉ dao động quanh 98,2 điểm – mức thấp nhất 3 năm. Từ đầu năm, chỉ số này đã giảm 10%. USD giảm cũng góp phần kéo giá vàng thế giới lên sát 3.480 USD một ounce hiện tại.

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell năm 2017. Ảnh: Reuters
  • Diễn biến Dollar Index từ đầu năm. Đồ thị: Market Watch

Một tài sản khác cũng bị bán tháo do căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed là trái phiếu chính phủ Mỹ. Phiên 21/4, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 30 năm của Mỹ tăng lần lượt 8 và 10 điểm cơ bản, lên 4,4% và 4,9%.

“Chúng tôi không nhận thấy có lợi ích nếu Tổng thống Trump buộc ông Powell rời chức Chủ tịch Fed sớm. Tương tự, việc đề cử sớm người kế nhiệm cũng sẽ gây bất lợi nhiều hơn”, Steve Englander – Giám đốc nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Trên mạng xã hội Truth Social ngày 21/4, ông Trump tiếp tục gọi Powell là “kẻ thất bại lớn” và cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ chậm lại nếu lãi suất không được giảm “ngay lập tức”. Giới phân tích cho rằng ông Trump muốn hạ lãi suất để giảm thiểu tác động từ việc tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các chính sách thuế nhập khẩu của ông được dự báo làm tăng giá hàng hóa và khiến thương mại toàn cầu chững lại.

Tuy nhiên, Powell không muốn giảm lãi suất sớm, do lo ngại lạm phát bùng lên. Fed vẫn đang thận trọng theo dõi số liệu kinh tế để đánh giá tác động từ các chính sách chưa từng có tiền lệ của ông Trump.

Nếu Powell rời đi, triển vọng lãi suất Mỹ sẽ ngay lập tức thay đổi. Nhà đầu tư hiện dự báo Fed giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản (1%) năm nay, xuống 3,25-3,5%. Nếu Chủ tịch mới của Fed có cùng quan điểm với ông Trump, chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ nghiêng về nới lỏng. Nguy cơ lạm phát bùng lên sẽ càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ đối tác thương mại.

Reuters cho biết kể cả nếu Trump tìm được cách khiến Chủ tịch Fed rời chức, Powell vẫn có thể kiện lên toà án liên bang. Nhiều khả năng cuộc đối đầu pháp lý này sẽ dẫn đến Tòa án Tối cao phân xử. Powell sẽ phải sử dụng nguồn lực cá nhân để thực hiện việc này. Tuy nhiên, với việc từng là luật sư và lãnh đạo nhiều công ty quản lý tài sản tư nhân, ông được đánh giá đủ khả năng và tài chính theo đuổi vụ kiện.

Bên cạnh đó, việc một Tổng thống sa thải Chủ tịch Fed vì lý do khác biệt chính sách có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Trong tương lai, các đời tổng thống khác có thể lặp lại hành động này nếu không hài lòng với hướng đi của Fed. Điều này đe dọa đến khả năng hoạt động độc lập và chuyên môn của cơ quan này.

Trump không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên tác động lên Fed về vấn đề chính sách. Đầu thập niên 70, Chủ tịch Fed khi đó là Arthur Burns chịu sức ép của tổng thống Richard Nixon – người đề cử ông vào chức vụ này. Việc này khiến Burns phải duy trì nới lỏng tiền tệ trước khi cuộc bầu cử năm 1972 diễn ra, bất chấp sức ép lạm phát tăng.

Đến năm 1974, lạm phát vượt 12% và duy trì ở mức cao suốt cả thập kỷ. Lạm phát chỉ được kiểm soát dưới thời Chủ tịch Fed Paul Volcker, thông qua loạt chính sách nâng lãi suất, đẩy nước này vào hai cuộc suy thoái kinh tế đầu thập niên 80.

“Rủi ro hiện tại đã tăng gấp đôi. Thứ nhất là Powell giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn thị trường kỳ vọng. Và thứ hai là sự can thiệp của ông Trump làm dấy lên lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương”, Nigel Green – CEO hãng tư vấn đầu tư deVere Group cảnh báo trên CBS.

Hà Thu (theo Reuters, CBS, CNBC)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật