OpenAI tuyên bố sẽ sẵn sàng mua lại trình duyệt Chrome của Google nếu tòa án liên bang yêu cầu công ty này phải thoái vốn, theo lời Giám đốc ChatGPT Nick Turley trong phiên điều trần hôm 22/4.
“Vâng, chúng tôi quan tâm (đến việc mua lại), giống như nhiều bên khác”, ông Turley trả lời khi được hỏi liệu OpenAI có muốn thâu tóm Chrome hay không.
Ông Turley được Bộ Tư pháp Mỹ triệu tập làm nhân chứng trong phiên tòa kéo dài 3 tuần nhằm xác định những thay đổi mà Google phải thực hiện sau khi bị kết luận độc quyền thị trường tìm kiếm vào năm ngoái.
Thẩm phán Amit Mehta dự kiến sẽ ra phán quyết vào tháng 8. Bộ Tư pháp đã yêu cầu Google bán trình duyệt Chrome như một phần của giải pháp.

Hiện ChatGPT có tiện ích mở rộng trên Chrome, nhưng theo ông Turley, việc tích hợp sâu hơn trình duyệt này vào hệ sinh thái của OpenAI sẽ cải thiện đáng kể sản phẩm.
Ông nói: “Nếu ChatGPT được tích hợp trực tiếp vào Chrome, chúng tôi có thể mang đến một trải nghiệm AI hoàn toàn mới cho người dùng. Đó sẽ là cơ hội để giới thiệu cách mà trải nghiệm lấy AI làm trung tâm có thể vận hành”.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của OpenAI là khâu phân phối. Dù đã đạt được thỏa thuận tích hợp ChatGPT vào iPhone của Apple, công ty vẫn chưa thể tiếp cận các nhà sản xuất smartphone Android.
Trước đó, một lãnh đạo Google xác nhận hãng đã bắt đầu trả tiền cho Samsung Electronics từ tháng 1 để cài sẵn ứng dụng Gemini AI trên các thiết bị của hãng. Dù thỏa thuận này không mang tính độc quyền, Turley cho rằng OpenAI gặp bất lợi trong đàm phán vì Google có khả năng chi tiêu vượt trội so với một startup.
“Không phải chúng tôi không nỗ lực”, ông cho hay. “Nhưng chưa bao giờ đạt đến giai đoạn đàm phán cụ thể”.
Nỗi lo bị loại khỏi cuộc chơi
Ông Turley bày tỏ lo ngại rằng OpenAI có thể bị các ông lớn như Google “gạt ra bên lề”.
Ông giải thích: “Chúng tôi đang cạnh tranh với những đối thủ kiểm soát các điểm truy cập chính mà người dùng sử dụng để khám phá sản phẩm – như trình duyệt hay kho ứng dụng. Sự lựa chọn thực sự mới tạo ra cạnh tranh. Người dùng cần được quyền chọn lựa”.
Ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT nhanh chóng trở thành một hiện tượng, thuộc nhóm sản phẩm phần mềm tiêu dùng phát triển nhanh nhất lịch sử.
Theo OpenAI, tính đến tháng 2, ChatGPT có hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng tuần.
Tuần này, Google bắt đầu đàm phán với Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều tổng chưởng lý bang về các biện pháp khắc phục mà thẩm phán Mehta sẽ yêu cầu nhằm ngăn chặn hành vi độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
Trong số các đề xuất, Bộ Tư pháp muốn Google bán Chrome, cấp phép dữ liệu tìm kiếm cho các đối thủ và chấm dứt các hợp đồng trả phí để giành vị trí độc quyền trên ứng dụng và thiết bị.
Google lập luận rằng các biện pháp này sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, gây hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến vị thế công nghệ của Mỹ.
Nếu phán quyết buộc Google phải bán Chrome được ban hành, đây sẽ là vụ chia tách bắt buộc đầu tiên đối với một tập đoàn lớn của Mỹ kể từ khi AT&T bị tách rời vào thập niên 1980.