
Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tuần này sẽ diễn ra hết sức sôi động khi có tới 17 ngân hàng tổ chức cuộc họp. Cổ đông các nhà băng hiện đặt kỳ vọng lớn vào các kế hoạch được trình tại đại hội như mục tiêu kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, chuyển đổi số và chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, các ngân hàng đang hết sức nỗ lực
Theo thống kê, năm ngoái có tới 9 ngân hàng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông có thể kể đến HDBank, VIB, ACB, VPBank, SHB,….Tổng quy mô chi trả ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với ước tính 23.000 tỷ đồng của năm 2023.
Đối với hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, nếu như cách đây 5 năm, hình thức này còn vấp phải phản đối của một số cổ đông thì hiện nay, phương án này ngày càng được đánh giá cao vì giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, củng cố năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Chi trả cổ tức đều đặn hàng năm cũng giúp cổ đông có niềm tin hơn khi gắn bó lâu dài với sự phát triển bền vững của ngân hàng. Chưa kể, giá cổ phiếu tăng lên cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các cổ đông.
HDBank là một trong những ngân hàng có truyền thống chia cổ tức đều đặn và cao top đầu ngành nhiều năm qua. Được biết, lợi nhuận còn lại luỹ kế của HDBank (sau khi trích lập các quỹ) lên tới gần 10.400 tỷ đồng, có thể sử dụng để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ có thể chia là 28%.HĐQT HDBank cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ bằng văn bản để thông qua kế hoạch chia cổ tức cụ thể vào thời điểm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh doanh.

Trước đó, năm 2024, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay với lợi nhuận trước thuế đạt 16.731 tỷ đồng, đạt 105,5% kế hoạch đề ra, tăng 28,5% so với năm trước và cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, HDBank thành công tăng vốn điều lệ lên 35.101 tỷ đồng, nằm trong Top những ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Đặc biệt, HDBank ghi nhận hoạt động kinh doanh trên nền tảng số tăng trưởng ấn tượng. Đến 31/12/2024, 94% giao dịch tài chính của khách hàng cá nhân được thực hiện trên các nền tảng số. Kênh số cũng đóng góp hơn 80% số lượng khách hàng mới. Số lượng giao dịch, số dư tiền gửi trên kênh số tăng trưởng theo cấp số nhân. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để HDBank bước vào kỷ nguyên mới với tăng trưởng dẫn đầu và bền vững.
Năm 2025, HDBank tự tin đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024. Nếu tiếp tục hoàn thành mục tiêu này, cổ đông HDBank nhiều khả năng sẽ tiếp tục được nhận cổ tức “khủng” trong những năm tới.
Trong khi đó, SHB cũng đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 23/4 thông qua kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 18%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 13% bằng cổ phiếu. Trong đó, SHB dự kiến dành 7.317 tỷ đồng để trả cho cổ đông, bao gồm hơn 2.000 tỷ đồng trả bằng tiền mặt và khoảng 5.300 tỷ đồng trả bằng cổ phiếu.
Các ngân hàng như VIB, ACB, MSB,…đều đã tổ chức xong ĐHĐCĐ và thông qua kế hoạch cổ tức, thường kết hợp cả cổ tức tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó ở nhóm ngân hàng quốc doanh, VietinBank dự kiến chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 44,64% trong năm nay nhằm tăng vốn điều lệ.
Cuối tuần này, một số ngân hàng khác như MB, TPBank, Sacombank, LPBank,…cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức. Tại MB, ngân hàng cho biết lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hiện nay là 23.751 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3% (quy mô 1.830 tỷ đồng), chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 32% (quy mô 19.725 tỷ đồng).
TPBank mới đây đã bổ sung thêm tờ trình đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024. Bên cạnh tiền mặt, HĐQT cũng đề xuất phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng.
VPBank thì cho biết sẽ trình phương án chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cổ phiếu trong năm 2025. Theo đó, ngân hàng sẽ dùng gần 4.000 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông vào quý 2 hoặc quý 3/2025. Nguồn cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính năm 2024.
Nhà đầu tư cũng quan tâm đến Sacombank khi nhà băng này bất ngờ bổ sung tờ trình chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng để ngỏ tỷ lệ chia, cho biết sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, sẽ xây dựng phương án chi tiết và tiến hành xin ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán và kinh tế trong, ngoài nước đối mặt với nhiều thách thức, triển vọng cổ tức hấp dẫn từ các nhà băng trở thành tin vui lớn cho nhà đầu tư. Việc chi trả cổ tức đều đặn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn thể hiện tiềm lực tài chính vững mạnh của các ngân hàng. Với lợi nhuận tăng trưởng mạnh và sự chuyển đổi số hiệu quả, các ngân hàng hứa hẹn tiếp tục mang lại giá trị lâu dài, tạo niềm tin vững chắc cho cổ đông trong tương lai.