Sáng ngày 22/4/2025 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.
Báo cáo do TS. Cấn Văn Lực đại diện trình bày tập trung vào 4 nội dung chính, gồm: Bối cảnh vĩ mô quốc tế và trong nước tác động đến thị trường tài chính Việt Nam 2024-2025; Thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 và triển vọng 2025; Tiêu điểm: Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam; Kiến nghị chính sách.
Báo cáo cũng đưa ra một số dự báo về ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2025, trong đó tăng trưởng huy động vốn năm 2025 dự báo ở mức khoảng 12-13%; tín dụng tăng 14-15%; lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng tích cực (15-20%), thấp hơn nhiều so với năm 2024. Lãi suất có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm nhẹ. Tỷ giá USD/VND dự báo còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3-4% trong cả năm.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Công ty cổ phần FiinGroup đã đưa ra một số ý kiến, góp ý về báo cáo. Ông cho rằng nhóm nghiên cứu đã thể hiện rất rõ những vấn đề thời sự của ngành ngân hàng như tỷ lệ nợ xấu, áp lực thanh khoản… Tuy nhiên, ông bổ sung thêm 1 điểm mới mà báo cáo chưa chỉ ra.
“Chúng tôi đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho khoảng 6 ngân hàng thương mại và nhận thấy một trong những vấn đề gây nhiều trăn trở cho các lãnh đạo, một “thế khó” chung của các ngân hàng hiện nay.
Như chúng ta đã biết, các ngân hàng đóng vai trò là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 16%, một số ngân hàng thậm chí đặt mục tiêu lên tới 20%. Tuy nhiên, nguồn vốn tự có của các ngân hàng lại rất mỏng, dẫn đến tình huống khó khăn: muốn tăng trưởng cho vay nhưng lại không biết lấy nguồn vốn từ đâu để cho vay”.
Trong bối cảnh đó, giải pháp đặt ra là phải tăng vốn cổ phần. Việc này tương đối khó khăn ngay cả với nhóm ngân hàng Big 4. “Tuy có thể tạm thời chưa cần tiệm cận với các ngân hàng trong khu vực, nhưng ít nhất phải nâng hệ số an toàn vốn (CAR) từ mức bình quân 11% lên 14–15% thì mới có thể đủ sức chống chọi với những cú sốc tiếp theo trong năm nay”, ông Thuân cho hay.
Theo ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn yếu về vốn, không bằng Campuchia, Singapore hay Thái Lan, tỷ lệ CAR của họ rơi vào khoảng 20%, điều này làm giảm mức độ an toàn của hệ thống. Do đó, vấn đề đa dạng kênh vốn là vấn đề rất thời sự và gắn với những áp lực của hệ thống ngân hàng, vai trò còn hạn chế của các tổ chức phi ngân hàng, tiềm lực vốn mỏng của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh nợ xấu gộp đang tăng.