spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánViệt Nam - Mỹ: Chính thức khởi động đàm phán thương mại,...

Việt Nam – Mỹ: Chính thức khởi động đàm phán thương mại, hai bên sẽ xử lý từng vấn đề cụ thể

Cuộc điện đàm tối ngày 23/4 giữa 2 trưởng đoàn đàm phán đã chính thức khởi động quá trình đàm phán thương mại song phương Việt – Mỹ, mở ra bước ngoặt mới trong quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia.

Chính thức khởi động đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ

Tối ngày 23/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ.

Đây là cuộc làm việc quan trọng để thảo luận về những vấn đề nguyên tắc, phạm vi và lộ trình đàm phán. Tham dự cuộc điện đàm có các thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ và cấp kỹ thuật đại diện cho các bộ, ngành liên quan.

Việt Nam - Mỹ: Chính thức khởi động đàm phán thương mại, hai bên sẽ xử lý từng vấn đề cụ thể
Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để khởi động đàm phán song phương về các vấn đề thương mại

Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ, mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với Mỹ”.

Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các bộ, ngành của Việt Nam sẵn sàng đàm phán, xử lý những vấn đề phía Mỹ quan tâm; cùng với Mỹ tìm ra các giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đánh giá cao việc 2 nước nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ sớm đạt được những giải pháp phù hợp, thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại ổn định, cùng có lợi.

Kết thúc cuộc làm việc, 2 trưởng đoàn đàm phán cũng nhất trí sẽ duy trì trao đổi thường xuyên ở cấp trưởng đoàn và cấp kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình đàm phán đối với từng vấn đề cụ thể.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 753/QĐ-TTg thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 754/QĐ-TTg phê duyệt thành viên Tổ giúp việc và ban hành Quy chế làm việc của Đoàn đàm phán Chính phủ.

Chỉ 1 ngày trước, khi chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Đoàn đàm phán chuẩn bị tốt các nội dung để làm việc với phía Mỹ.

Theo Thủ tướng, việc này dựa trên nguyên tắc bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy thương mại 2 nước cân bằng, bền vững. Ông Phạm Minh Chính cũng lưu ý định hướng đàm phán “không làm phức tạp vấn đề, ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; không vì thị trường này mà ảnh hưởng tới thị trường khác; có giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi”.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam. Mức thuế tạm thời được áp là 10%.

Trước tình hình thương mại thế giới hiện nay, bên cạnh các thách thức, cũng có cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp giải quyết các vấn đề phía Mỹ quan tâm. Các cơ quan này phải xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện để thúc đẩy phát triển, quản lý và bảo vệ sản xuất, nhất là về xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái… Cùng với đó, các bên phải tiếp tục rà soát cơ chế hoàn thuế, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí, thời gian tuân thủ; lập ngay Cổng đầu tư một cửa quốc gia, Trung tâm Xúc tiến và Kêu gọi đầu tư quốc gia và cấp tỉnh. Qua đó, các Bộ, ngành cần kiểm soát và thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

4 kịch bản cho đàm phán thuế đối ứng Việt Nam – Hoa Kỳ

Mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra 4 kịch bản, tập trung vào việc dự đoán mức thuế suất mà Mỹ có thể áp lên Việt Nam:

Kịch bản 1: Không có thỏa thuận được thông qua – mức thuế 46% sẽ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 8/7/2025. Đây là kịch bản rất tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến FDI và hoạt động sản xuất, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản, gỗ, dệt may, điện tử… Xác suất xảy ra: 15%.

Kịch bản 2: Có thỏa thuận nhưng thuế vẫn ở mức cao, tương đương Ấn Độ (20–46%). Tác động tiêu cực vẫn còn, nhưng nhẹ hơn kịch bản 1. Xác suất xảy ra: 25%.

Kịch bản 3: Đồng thuận cao, thuế giảm xuống mức 10–20%. Ảnh hưởng nhẹ, tạo ổn định tương đối. Đây là kịch bản tích cực, xác suất xảy ra: 30%.

Kịch bản 4: Hai bên đạt được thỏa thuận chi tiết theo từng mặt hàng, thuế phân bổ từ 0% đến 46%. Ảnh hưởng nhẹ, ổn định dần theo nhóm ngành. Kỳ vọng xác suất: 30%.

Thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế đã có tín hiệu hồi phục sau khi Mỹ tạm ngưng áp thuế cao và thể hiện thiện chí đàm phán. Tuy nhiên, VDSC cảnh báo rủi ro sẽ xuất hiện nếu kỳ vọng này bị phá vỡ hoặc đàm phán thất bại.

Việt Nam - Mỹ: Chính thức khởi động đàm phán thương mại, hai bên sẽ xử lý từng vấn đề cụ thể
VDSC đưa ra 4 kịch bản đàm phán thuế đối ứng Việt Nam – Hoa Kỳ (Ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng thương mại với Mỹ. Nếu bị áp mức thuế cao, thiệt hại sẽ rất đáng kể. Trước những kịch bản chưa rõ ràng, VDSC cho rằng thị trường tới đây sẽ biến động mạnh, chịu ảnh hưởng lớn từ tâm lý và cảm nhận của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Do đó, VDSC khuyến nghị:

– Ưu tiên các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, ít bị ảnh hưởng từ biến động bên ngoài. Ví dụ: nhóm đầu tư công, dược phẩm, điện, nước…

– Doanh nghiệp hưởng lợi từ nâng hạng thị trường chứng khoán.

– Với doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu, cần theo dõi sát thông tin, đánh giá khả năng chịu ảnh hưởng thuế và ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường ngách, ít bị tổn thương nếu chiến tranh thương mại leo thang.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật