spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChuyên gia EuroCham "hiến kế" để Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp...

Chuyên gia EuroCham "hiến kế" để Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp thực thi ESG

Ông Deep Sen, Phó chủ tịch Tiểu ban Tài chính bền vững – Eurocham tại Việt Nam, đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chuyên gia EuroCham "hiến kế" để Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp thực thi ESG- Ảnh 1.

Ông Deep Sen, Phó chủ tịch Tiểu ban Tài chính bền vững – EuroCham tại Việt Nam.

Việt Nam cần nhanh chóng phát triển bộ tiêu chí phân loại bền vững (taxonomy) để thúc đẩy doanh nghiệp thực hành quy định môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Ông Deep Sen, Phó chủ tịch Tiểu ban Tài chính bền vững – EuroCham tại Việt Nam, đưa ra nhận định trên tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”. Sự kiện diễn ra chiều ngày 23/4 tại Hà Nội do báo Dân Trí tổ chức.

“Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, hay Singapore đều đã có bộ tiêu chí phân loại bền vững riêng, trong khi Việt Nam vẫn chưa có”, ông Sen cho biết, đồng thời nhấn mạnh taxonomy là nền tảng cốt lõi để thúc đẩy tuân thủ ESG.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Deep Sen cho biết doanh nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ các cơ quan quản lý quốc tế với hàng loạt chính sách liên quan đến ESG được áp dụng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Trong khi đó, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy móc, da giày, may mặc, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… đều bị ảnh hưởng bởi các chính sách mới này. Vì vậy, các doanh nghiệp không thể áp dụng “một công thức cho tất cả” mà cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp với đặc thù từng ngành, ông nói.

Nhấn mạnh tính linh hoạt là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt thích ứng trong kỷ nguyên mới, chuyên gia của EuroCham khuyến nghị doanh nghiệp cần thiết kế lại văn hóa tổ chức, đưa ESG vào chiến lược của công ty và đầu tư vào các lộ trình phi carbon hóa.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình phát triển các công cụ tài chính xanh, đảm bảo các công cụ này vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Deep Sen cũng nêu bật vai trò của các tổ chức ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực ESG.

“Ngân hàng cần triển khai các sản phẩm hay gói tài chính ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện ESG để xuất khẩu bền vững sang châu Âu và các thị trường khác trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn”, ông nói.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, ông Deep Sen vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong việc thích ứng với các yêu cầu mới. Theo ông, Việt Nam có những lợi thế về nền tảng công nghiệp ngày càng phát triển, chính sách mở cửa tích cực với thị trường toàn cầu và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của ESG trong cả khối doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật