
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trả lời các câu hỏi tại ĐHĐCĐ 2025. Ảnh: VIC
Sáng nay (24/4), Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Một trong những nội dung tâm điểm tại đại hội là phần thảo luận của ban lãnh đạo Tập đoàn và các cổ đông.
Tại đại hội, cổ đông thắc mắc: “Vì sao Vingroup không giữ lại các công ty mảng big data và AI?
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết: “Khi chúng tôi bán các công ty cho Nvidia và Qualcomm thì có điều kiện kép là họ phải đầu tư phát triển mạnh vào Việt Nam. Họ phải mở trung tâm nghiên cứu và phải dùng người Việt. Còn về việc bán và thu về vài trăm triệu USD thì không phải thứ Vingroup quan tâm”.
“Vingroup tạo ra công ty không phải để giữ tài sản mà khi đạt được mức độ nào đấy rồi thì có thể bán và đầu tư mảng khác. Khi thoái vốn khỏi big data và AI thì Vingroup đã đầu tư vào các mảng khởi nghiệp công nghệ. Vingroup có thể lãi hoặc không, nhưng đất nước sẽ hưởng lợi khi có thêm những người phát triển thành công trong mảng này”, lãnh đạo Vingroup nhấn mạnh.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vingroup diễn ra vào sáng 24/4. Ảnh: VIC
Vingroup thực hiện 2 thương vụ bán vốn công ty công nghệ cho Nvidia và Qualcomm
Trong nửa năm qua, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thực hiện hàng loạt thương vụ chuyển nhượng vốn đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ.
Nổi bật trong số đó là việc Nvidia mua lại VinBrain vào thời điểm cuối năm 2024. Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái, CEO Nvidia Jensen Huang khi đó bày tỏ sự phấn khởi khi được hợp tác với Vingroup và VinBrain trong chiến lược đầu tư và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Trên thực tế VinBrain (được thành lập vào năm 2019) là một công ty liên kết của Vingroup với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Hoạt động chính của VinBrain là phát triển các ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu quả làm việc cho đội ngũ y tế. Hiện có hơn 182 bệnh viện tại Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Australia… đã và đang áp dụng các giải pháp của VinBrain.
Sau khi về tay Nvidia, VinBrain chuyển đổi loại hình kinh doanh từ CTCP sang công ty TNHH với tên mới là Công ty TNHH VinBrain. Vốn điều lệ đăng ký của công ty là 627,7 tỷ đồng.

Nvidia mua lại VinBrain vào thời điểm cuối năm 2024.
Mới đây nhất, trong ngày 2/4, Tập đoàn Qualcomm công bố trên website rằng đã sở hữu một phần VinAI. Trong thông báo được đưa ra, hãng chip nổi tiếng Mỹ cho biết đã mua lại CTCP Ứng dụng và Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo MovianAI (trước đây là bộ phận AI tạo sinh của VinAI, thuộc hệ sinh thái của Vingroup).
Về phía Vingroup, tập đoàn cũng công bố việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu nắm giữ tại công ty này. Cụ thể, 65% vốn Movian AI thuộc về Qualcomm. Tuy nhiên, giá chuyển nhượng không được tiết lộ. Sau giao dịch, Movian AI không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.
Dù đã chuyển nhượng một số doanh nghiệp công nghệ, nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn tiếp tục khẳng định tham vọng tiến sâu vào mảng này, với hàng loạt dự án mới.
Cụ thể, ngày 20/11/2024, Vingroup thông báo chính thức thành lập CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo công bố, Tập đoàn Vingroup nắm giữ 51% vốn cổ phần của VinRobotics, ông Phạm Nhật Vượng góp 39% vốn, 2 người con trai là ông Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng góp 5% vốn mỗi người. Chỉ vài tháng sau khi VinRobotics ra đời, Tập đoàn Vingroup tiếp tục thành lập CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Người máy Đa năng VinMotion, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm giữ 51% cổ phần.