Hôm 23/4, Ủy ban châu Âu đã ra quyết định xử phạt Apple và Meta tổng cộng gần 800 triệu USD vì vi phạm các quy định cạnh tranh số trong khuôn khổ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
Theo đó, Apple bị phạt 500 triệu euro (khoảng 571 triệu USD) do không tuân thủ quy định “chống cản trở” (anti-steering), vốn yêu cầu hãng phải cho phép các nhà phát triển thông báo cho người dùng về các lựa chọn mua hàng ngoài App Store.
Ủy ban yêu cầu Apple dỡ bỏ mọi rào cản kỹ thuật và thương mại liên quan, đồng thời không lặp lại hành vi vi phạm trong tương lai. Phản hồi về án phạt, Apple tuyên bố sẽ kháng cáo và tiếp tục đối thoại với Brussels.

“Ủy ban châu Âu tiếp tục nhắm vào Apple một cách không công bằng trong loạt quyết định gây tổn hại đến quyền riêng tư, an ninh và sản phẩm của người dùng – buộc chúng tôi phải cung cấp công nghệ miễn phí”, Apple khẳng định, đồng thời cho biết họ đã mất hàng trăm nghìn giờ kỹ thuật để tuân thủ luật mới.
Meta cũng bị xử phạt 200 triệu euro (228 triệu USD) vì buộc người dùng phải đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân để được sử dụng Facebook và Instagram miễn phí, hoặc phải trả tiền nếu không muốn bị quảng cáo cá nhân hóa. Đây là mô hình mới được Meta triển khai từ tháng 11/2023.
Joel Kaplan – Giám đốc phụ trách đối ngoại toàn cầu của Meta – chỉ trích quyết định này là một hình thức “áp thuế hàng tỷ USD” lên doanh nghiệp Mỹ thành công, trong khi các công ty châu Âu và Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn tương tự.
Ông nói: “Ủy ban cũng đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nền kinh tế châu Âu khi hạn chế quảng cáo cá nhân hóa”.
Trong khi đó, EU cho biết đã xem xét các điều chỉnh của Meta đối với mô hình quảng cáo mới – sử dụng ít dữ liệu cá nhân hơn – và đang yêu cầu công ty cung cấp thêm bằng chứng thực tế về tác động của mô hình này.
Đồng thời, Meta bị yêu cầu phải thay đổi phiên bản quảng cáo ít cá nhân hóa trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ đối mặt với án phạt bổ sung.
Các quyết định chống độc quyền lần này có nguy cơ châm ngòi cho động thái trả đũa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump – người lâu nay vẫn phản đối gay gắt chính sách quản lý nghiêm ngặt của EU đối với các đại gia công nghệ Mỹ.
Giới quan sát nhận định, ông Trump có thể sẽ đáp trả bằng cách tái áp dụng các biện pháp thuế quan hoặc hạn chế pháp lý đối với các tập đoàn công nghệ và ô tô châu Âu – lĩnh vực vốn đang phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Trong nhiệm kỳ trước, ông từng đe dọa đánh thuế mạnh vào xe Đức và từng gọi các quy định cạnh tranh của Brussels là “phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ”.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” được thúc đẩy trở lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, thị trường đang lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng xuyên Đại Tây Dương – đặc biệt khi các vụ điều tra và án phạt liên quan đến Big Tech ngày một dày đặc.
Theo CNBC