
Những diễn biến mới nhất trên mặt trận thương mại quốc tế đang tạo ra những làn sóng ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và quan hệ kinh tế giữa các cường quốc.
Đặc biệt, những nước đi của Mỹ, từ việc “nới lỏng” với một số đối tác đến việc “siết chặt” với Trung Quốc, khiến các quân cờ khác phải dè chừng và tính toán lại chiến lược. Đằng sau những động thái này là những toan tính gì và liệu ván cờ này sẽ đi đến hồi kết như thế nào?
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này và những hệ lụy tiềm tàng đối với nền kinh tế thế giới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân – để lắng nghe những phân tích của ông về tình hình hiện tại.
Ông đánh giá như thế nào về việc ông Trump tạm hoãn áp thuế 90 ngày trong khi tăng thuế cao tới 145% đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc. Liệu đây là một chiến thuật có chủ đích trong đàm phán thương mại hay phản ánh sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ?
Theo tôi, việc hoãn thuế 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc, cho thấy ông Donald Trump đã có sự phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại với các đối tác. Điều này có nghĩa là Mỹ không đặt các đối tác thương mại trên một mặt bằng như nhau.
Lý do đơn giản là thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước là khác nhau. Đối với Trung Quốc, tình trạng đã kéo dài suốt 40 năm với con số gần 250-300 tỷ USD. Việc tăng thuế cao đối với Trung Quốc mang tính chất trừng phạt nhiều hơn. Mức thuế cao ngất ngưởng được đưa ra nhằm buộc nước này chấp nhận đề xuất của Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra cứng rắn. Do đó, việc Mỹ áp dụng mức thuế cao lại phù hợp với thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc xây dựng một khung đàm phán mà cả hai bên cùng có lợi. Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc buộc ông Trump phải đưa ra biện pháp cứng rắn tương ứng để tránh việc Trung Quốc lợi dụng tình hình và cho rằng Mỹ đã hết công cụ kiểm soát.
Còn đối với các nước khác, việc hoãn 90 ngày đánh thuế lại là cách làm tạo điều kiện cho những đối tác ngoài Trung Quốc có thêm thời gian thực hiện các hợp đồng đã được ký kết và điều chỉnh chiến lược thương mại của họ.

Đây thực chất là cách ứng xử qua lại giữa hai bên, như bộ phim “Tom & Jerry”. Hiện tại, ông Trump và Trung Quốc đang áp dụng chiến lược “đại dương đỏ”. Tức là hai bên sẵn sàng chấp nhận thiệt hại trước mắt để thể hiện hiệu quả của các công cụ mình sử dụng, đo lường mức độ chấp nhận của đối tác.
Thêm vào đó, Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong việc giành quyền lãnh đạo thế giới. Vậy nên tôi đánh giá hành vi cứng rắn của ông Trump là rất phù hợp.
Ngoài ra, chúng ta thấy giá hàng hóa Trung Quốc thường rất rẻ. Việc tăng thuế lên 145% nhằm mục tiêu buộc các nước khác chuyển hướng từ hàng Trung Quốc sang hàng của các quốc gia khác, bởi vì giá hàng Trung Quốc sau thuế sẽ cao hơn đáng kể.
Chính sách thương mại của Mỹ lâu nay vẫn tuân thủ nguyên tắc của WTO và các cam kết quốc tế. Họ là một trong những nước thực hiện rất nghiêm túc các nguyên tắc này. Vì vậy, tôi nghĩ việc tăng thuế và tạm hoãn có thể là một chiến thuật đàm phán của ông Trump.
Kể cả với Trung Quốc, do hành động cứng rắn của họ không tuân thủ kỳ vọng của ông Trump, Mỹ buộc phải áp dụng các biện pháp mang tính phân biệt đối xử. Hai bên chưa thật sự hiểu nhau về cách ứng xử. Việc ông Trump đánh thuế cao có thể nhằm mục đích đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán chứ không phải để trừng phạt. Đánh thuế cao chỉ là một chiến thuật cần áp dụng kiên quyết, kiên trì và lâu dài.
Quyết định tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày cho thấy điều gì về chiến lược dài hạn của Mỹ trong cuộc chiến thương mại?
Mục tiêu dài hạn của ông Trump là giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ. Theo số liệu hiện tại, nợ công của Mỹ lên tới trên 35.000 tỷ USD còn GDP là 27.000 tỷ USD, gây áp lực lên ngân sách liên bang. Thuế chính là một công cụ hiệu quả để tăng thu ngân sách liên bang.
Ngoài ra, ông Trump cũng liên tục yêu cầu các nước khác mua hàng của Mỹ. Một số nước đã bắt đầu nhượng bộ và đồng ý mua thêm hàng của Mỹ, góp phần vào tăng trưởng việc làm tại Mỹ.
Một chiến lược rất hay khác của ông Trump là sử dụng thuế để ép các nước khác điều chỉnh thuế ngang bằng với Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Mỹ xâm nhập thị trường của họ.

Việc đánh thuế và tạm hoãn thuế của ông Trump đã đạt được những kết quả ban đầu, khi nhiều nước đã đưa ra các thỏa thuận, lời hứa trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm mang lại lợi ích cho Mỹ.
Ví dụ như Nhật Bản đã đề xuất tăng đầu tư vào thị trường Mỹ lên 1.000 tỷ USD. Nhưng vì chưa thấy gì cả, tiền chưa vào tài khoản của nước Mỹ cho nên ông Trump vẫn đánh thuế.
Ông Trump buộc các đối tác phải thực hiện cam kết thực sự, không chỉ là lời hứa suông. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tìm cách giảm giá hàng hóa để duy trì cạnh tranh dù thuế cao. Việt Nam chúng ta cũng có động thái để ngỏ khả năng mua hàng chục tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Tương tự, nhiều nước, như Campuchia, đã đưa ra nhượng bộ giảm thuế cho hàng hóa Mỹ. Đây là những thành công bước đầu của ông Trump trong việc buộc các nước ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ, tạo lợi ích cho Mỹ.
Mặc dù chưa có gì chắc chắn, nhưng những động thái này cho thấy ông Trump đang sử dụng “quyền của vua” – quyền khách hàng là thượng đế – để chi phối người bán và buộc họ hành động theo ý muốn của người mua. Đây là một chiến thuật thông minh, tận dụng triệt để lợi thế, vị thế và quy mô nhập khẩu lớn của Mỹ.
Có ý kiến cho rằng chiến thuật kết hợp giữa “anchoring” (tung ra đề xuất phi lý để điều chỉnh kỳ vọng đối phương) và “emotionally triggering” (tức kích hoạt cảm xúc để tạo lợi thế) đã trở thành một công cụ mặc định trong các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ. Ông đánh giá sao về cách nước này sử dụng chiến thuật đàm phán dựa trên thao túng tâm lý đối phương như vậy?
Để hiểu phong cách đàm phán của Donald Trump, chúng ta có thể tham khảo cuốn sách “Đàm phán với Donald Trump” của ông vào năm 1997. Trong đàm phán, các bên thường chuẩn bị nhiều kịch bản, từ tốt nhất đến kém lạc quan nhất.
Thông thường, ông Trump sử dụng tổng hợp các kỹ năng, bao gồm cả khoa học và các kỹ năng tạo cảm xúc, cảm hứng. Với vai trò lãnh đạo, ông có khả năng gây ảnh hưởng đến cảm xúc của đối tác trên bàn đàm phán khi đưa ra những yêu sách cao. Điều này buộc các quốc gia phải suy nghĩ lại và cẩn trọng hơn trong cách đối xử với Mỹ.
Tôi nghĩ cách làm của ông Trump kết hợp cả việc tạo ra tiền lệ mới và tạo ra xúc cảm mới, buộc các quốc gia phải đưa ra những lựa chọn thông minh và khôn khéo để tránh bị thua thiệt.
Ông Donald Trump là một trong những nhà đàm phán rất lão luyện. Ông kết hợp nhiều chiến thuật, vừa tung hỏa mù, vừa minh bạch, vừa tấn công trực diện, vừa khai thác lợi thế của một cường quốc. Tôi không loại trừ việc ông kết hợp cả yếu tố lý trí và tình cảm, duy lý và duy tình.
Nếu duy lý không đạt được kết quả, ông chuyển sang khai thác yếu tố gọi là “trigger emotion” – lên cò đối với cảm xúc. Nếu cảm xúc không hiệu quả, ông sử dụng biện pháp cứng rắn. Ông kết hợp nhuần nhuyễn giữa cứng và mềm, đồng thời tạo ra tác động tâm lý, buộc các nước phải đi theo vì họ phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh hiện tại, khi việc bán hàng khó hơn sản xuất, người mua có quyền lực rất lớn. Ông Trump khai thác triệt để lợi thế này, đưa ra những đề xuất mà nhiều khi các nước cũng chưa tưởng tượng được.
Với các nước nhỏ và vừa, làm thế nào để tránh rơi vào cái bẫy “đề xuất vô lý” – vốn được Mỹ tung ra như một cú sốc ban đầu để dồn ép đối phương nhượng bộ?
Theo tôi, các nước nhỏ, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, cần đảm bảo yêu cầu của Mỹ trước. Đầu tiên là phải tạo ra lợi ích cho nước Mỹ, dù không nhiều nhưng có nhập khẩu.
Thứ hai, điều chỉnh thuế trên cơ sở đối ứng, không đánh thuế quá cao vì nguyên tắc “có đi có lại”. Thứ ba, hợp tác và liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh cộng hưởng lớn hơn trên bàn đàm phán với Mỹ. Đây là những cách làm khôn khéo.

Chúng ta cần lưu ý rằng trong các cuộc xung đột, nếu đàm phán là giải pháp thứ nhì thì không có gì là thứ nhất. Cần đặt vấn đề lên bàn đàm phán và hai bên nhượng bộ lợi ích. Thương mại công bằng đòi hỏi cả hai bên cùng có lợi.
Không nên đòi hỏi lợi ích quá lớn trong khi lợi ích của Mỹ quá thấp, rồi viện lý do đang phát triển để Mỹ chiếu cố. Mỹ có nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt với các nước đang phát triển.
Nhưng cũng không nên coi đó là điều để các nước này lạm dụng, nhưng không nên lạm dụng điều này. Các nước nhỏ cần điều chỉnh chiến lược thương mại sao cho phù hợp. Nếu không, họ cũng sẽ gặp những khó khăn trong giai đoạn tới.
Nội các của Tổng thống Trump hiện nay được cho là chia thành 3 nhóm ảnh hưởng chính bao gồm nhóm “MAGA” (Economic Nationalism/kinh tế dân túy), nhóm nội các với gốc tỷ phú và nhóm nội các có gốc từ Quốc hội. Ông có thể phân tích vai trò của từng nhóm trong việc định hình chính sách thuế quan và đàm phán thương mại quốc tế?
Nhóm tỷ phú là nhóm liên quan đến công nghệ. Nhóm này muốn chính sách của Mỹ tạo điều kiện cho phát triển công nghệ, cho nghiên cứu phát triển, bảo hộ cho ngành công nghiệp của Mỹ và hạ gục các đối thủ cạnh tranh như Huawei, Tencent, DeepSeek. Họ sẽ ủng hộ các chính sách đánh vào Trung Quốc và vận động hành lang để bảo vệ lợi ích của tập đoàn mình.
Nhóm thân với Quốc hội tập trung vào việc ngăn chặn Mỹ đánh thuế, họ sẽ vận động hành lang để bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp trong nước.
Còn nhóm MAGA đề cao quốc gia phù hợp nhất với quan điểm của ông Donald Trump – tập trung vào lợi ích của Mỹ trên hết.
Mặc dù có sự phân chia như vậy, nhưng lợi ích của Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Ông Trump vẫn sẽ đi theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế, với khẩu hiệu “America First”.
Các thành viên trong nội các có thể có ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng họ sẽ đi theo đường lối của ông Trump vì ông đang nắm quyền lãnh đạo và mang lại lợi ích cho họ. Nếu không, họ sẽ không được hưởng lợi.
Họ chỉ phản đối chính sách của ông Trump khi có lực lượng bên ngoài vận động hành lang và chi tiền cho họ. Nếu không, họ sẽ không làm vậy.
Trong tình hình này, Việt Nam cũng nên đi vận động chính sách, vận động các nghị sĩ Quốc hội, vận động cả ông Trump và các công ty công nghệ đầu tư vào Việt Nam để nâng cấp hệ thống công nghệ nước ta. Đồng thời, vận động Quốc hội Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam, thể hiện nguyện vọng hợp tác lâu dài và toàn diện.
Sự phân hóa trong nội bộ Mỹ sẽ không quá lớn trừ khi có bàn tay thứ 3 của bên ngoài nhảy vào. Nước Mỹ rất thực dụng và việc chia rẽ họ là rất khó xảy ra.
Xin trân trọng cảm ơn ông!