
Ngày 16/4 vừa qua, Viện bạc – Silver Institute, đã phát hành báo cáo: “World silver survey 2025” – tạm dịch: “Tổng quan thị trường bạc 2025”, trong đó, dữ liệu cho thấy thị trường bạc có năm thứ tư liên tiếp thiếu hụt nguồn cung. Nguồn cung bạc tiếp tục thiếu hụt hơn 4.600 tấn bạc trong năm 2024, và nhu cầu bạc trong công nghiệp tiếp tục đạt kỷ lục mới, đem đến cơ hội tăng trưởng lớn cho sản phẩm này.
Kinh tế xanh và trí tuệ nhân tạo thúc đẩy nhu cầu bạc đạt kỷ lục
Nhu cầu bạc trong công nghiệp đã tăng 4% vào năm 2024, đạt 680.5 triệu ounce (Moz) – xấp xỉ 22 nghìn tấn, ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong năm thứ tư liên tiếp. Nhu cầu bạc tiếp tục hưởng lợi từ những tăng trưởng mang tính toàn cầu liên quan đến nền kinh tế xanh bao gồm đầu tư vào hạ tầng điện mặt trời, pin xe điện và các ứng dụng quang điện (PV). Nhu cầu bạc còn được thúc đẩy nhờ đà tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo (AI), điều này được chúng minh bằng đà tăng trưởng trong các lô hàng điện tử tiêu dùng.
Tổng nhu cầu bạc toàn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung trong năm thứ tư liên tiếp, tổng nhu cầu năm 2024 được ước tính đạt hơn 36 nghìn tấn. Điều này dẫn đến mức thâm hụt thị trường là hơn 4.600 tấn vào năm 2024. Trong giai đoạn 2021-2024, tổng mức thâm hụt lũy kế đã đạt 678 triệu ounce – xấp xỉ hơn 22 nghìn tấn, tương đương với 10 tháng sản lượng khai thác bạc toàn cầu trong năm 2024.

Đơn vị: Nghìn tấn – Nguồn: Silver Institute
Nhu cầu lớn đến từ châu Á
Xét theo khu vực, Trung Quốc chiếm phần lớn mức tăng trưởng công nghiệp với mức tăng 7%, trong khi Ấn Độ ghi nhận mức tăng 4%.
Nhu cầu hợp kim hàn (brazing alloys) tăng 3%, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp chính như ô tô và hàng không vũ trụ. Trong khi đó, nhu cầu trong danh mục ‘công nghiệp khác’ tăng 4%.
Sản xuất trang sức bạc (silver jewelry fabrication) tăng 3%, đạt gần 6.500 tấn. Nhu cầu bạc trang sức tại Ấn Độ đóng vai trò lớn cho mức tăng trưởng này nhờ các yếu tố như cắt giảm thuế nhập khẩu, nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững và xu hướng gia tăng mức độ tinh khiết trong sản phẩm bạc. Và cũng nhờ việc cắt giảm thuế nhập khẩu, Ấn Độ là quốc gia có mức tăng trưởng nhu cầu bạc trong đầu tư bạc thỏi, tiền xu lớn nhất với mức tăng trưởng 21% trong năm 2024.

Nguồn cung bạc được cải thiện là không đủ
Sản lượng khai thác bạc toàn cầu (global silver mine production) tăng 0.9%, đạt 819.7 Moz, được hỗ trợ bởi sản lượng tăng từ các mỏ chì/kẽm ở Úc và sự phục hồi nguồn cung từ Mexico, khi mỏ bạc lớn nhất của quốc gia này trở lại hoạt động hết công suất. Sản lượng bạc từ các mỏ chì/kẽm vẫn là nguồn cung bạc chủ đạo, nhưng sản lượng không đổi so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, Mexico vẫn là quốc gia sản xuất bạc từ mỏ hàng đầu, tiếp theo là Trung Quốc, Peru, Bolivia và Chile.
Nguồn cung từ tái chế tăng 6% vào năm 2024, đạt mức cao nhất trong 12 năm là 6.031 tấn. Về mặt tỷ lệ phần trăm, mức tăng cao nhất đến từ tái chế đồ dùng bạc (silverware recycling), tăng 11% do giá bạc ổn định hơn và các vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao đã khuyến khích bán hàng ở các thị trường phương Tây. Tổng nguồn cung bạc từ cả khai thác và tái chế bạc đạt hơn 31 nghìn tấn, thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Triển vọng thị trường bạc năm 2025
Tác động đến từ các chính sách thuế quan của Mỹ sẽ là rủi ro chính đối với nhu cầu bạc trong năm nay. Với sự kéo dài của các mức thuế quan cao, và sự leo thang hơn nữa của cuộc chiến thương mại toàn cầu, có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm mạnh tăng trưởng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tư vật chất có thể hưởng lợi từ việc tăng cường mua tài sản trú ẩn an toàn.

Giá bạc tại Việt Nam tăng hơn 36% trong năm qua – Nguồn: Phú Quý
Theo dữ liệu của Viện bạc công bố, năm 2025 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp nguồn cung bạc thiếu hụt so với nhu cầu, bất chấp các dự báo về việc nhu cầu trong công nghiệp suy yếu. Giá bạc trung bình tăng 21% vào năm 2024. Và đầu năm 2025 chứng kiến đà tăng tiếp theo của giá bạc. Bất chấp việc giá bạc đã suy yếu sau khi Mỹ công bố thuế quan, tính đến ngày 22 tháng 4, giá bạc vẫn tăng hơn 12% so với đầu năm cho thấy sự ổn định và tăng trưởng bền vững của sản phẩm này.
Với tính chất lưu trữ tương tự vàng và mức giá dễ tiếp cận hơn, bạc hứa hẹn trở thành một kênh đầu tư trú ẩn bên cạnh vàng tại Việt Nam. Theo trang web của Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, giá bạc đang được giao dịch quanh mức 1,253,000 vnđ/lượng mua vào, 1,292,000 vnđ/lượng bán ra, tăng hơn 15% kể từ cuối năm 2024.