Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tạo căng thẳng với Canada qua hàng loạt đòn thuế trừng phạt và những phát ngôn gay gắt trên mạng xã hội, người Canada bắt đầu tự hỏi: Liệu đã đến lúc tìm kiếm những đồng minh mới, đáng tin cậy hơn
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 44% người Canada ủng hộ ý tưởng gia nhập EU, so với 34% phản đối.

Người phát ngôn chính của Ủy ban châu Âu, bà Paula Pinho, cho biết Brussels “rất vinh dự trước kết quả khảo sát này,” nhưng cũng lưu ý rằng theo các hiệp ước hiện hành, chỉ những quốc gia châu Âu mới đủ điều kiện trở thành thành viên EU.
Tuy vậy, theo các chuyên gia được Politico phỏng vấn, mặc dù khả năng thành công là rất thấp, việc Canada gia nhập EU không hẳn là điều không tưởng.
“Canada hoàn toàn có thể đủ điều kiện”
Ý tưởng đưa Canada trở thành thành viên thứ 28 của EU nghe có vẻ viển vông, nhưng lại được củng cố bởi các giá trị chung giữa hai bên: mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, nền dân chủ bền vững và một “cơn đau đầu” chung mang tên Donald Trump.
Vấn đề đặt ra là: nếu điều kiện “quốc gia châu Âu” trong Điều 49 của Hiệp ước Liên minh châu Âu là trở ngại chính, thì liệu có những yếu tố nào khác ngoài địa lý có thể khiến một quốc gia được xem là “châu Âu”? Và Canada có thể thỏa mãn điều đó không?
“Là người châu Âu nhiều khi là một trạng thái tinh thần”, giáo sư Giselle Bosse (Đại học Maastricht) nhận định. Bà cho rằng khái niệm quốc gia châu Âu không được định nghĩa cụ thể về mặt pháp lý, và nhiều quốc gia EU hiện nay sở hữu lãnh thổ ngoài châu Âu, như ở vùng Caribbean, Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Theo bà Bosse, người Canada có thể được xem là “người châu Âu đặc biệt” nhờ hệ thống pháp luật và chính trị mang ảnh hưởng châu Âu, cùng với niềm tin mạnh mẽ vào nhà nước phúc lợi và nguồn gốc tổ tiên từ châu Âu.
Giáo sư Frank Schimmelfennig (Đại học ETH Zurich) đồng tình, cho rằng Canada “thậm chí gần gũi với các giá trị, thể chế và chính sách châu Âu hơn nhiều so với các quốc gia ứng cử viên hiện nay”.
Các quốc gia đang trên lộ trình gia nhập EU bao gồm Ukraine, Moldova và các nước vùng Balkan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia thì đang đình trệ vì những lo ngại về thể chế.
Rào cản thực tế
Dù vậy, không phải ai cũng lạc quan. Nhiều chuyên gia cho rằng ý tưởng này sẽ nhanh chóng bị thực tế “dội gáo nước lạnh”.
Giáo sư Bosse lưu ý rằng kết quả khảo sát có thể phản ánh cảm xúc nhất thời của người Canada, chứ không phải cam kết sâu sắc như các nước Trung Âu trước khi gia nhập EU năm 2004, những nước luôn nhấn mạnh việc “trở về với châu Âu”.
Ian Bond, Phó Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu, nhận định: “Rất khó để chứng minh rằng Canada là một quốc gia châu Âu”. Và kể cả khi chứng minh được, thì các yếu tố kinh tế thực tế sẽ là trở ngại lớn.

Việc gia nhập EU sẽ buộc Canada thiết lập biên giới thuế quan với Mỹ, áp dụng thuế quan và quy định của EU lên hàng hóa Mỹ — điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Canada trong nhiều năm, theo ông Bond.
Ngoài ra, việc kết nạp thành viên mới cần có sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các quốc gia thành viên EU, thậm chí là trưng cầu dân ý ở một số nước như Pháp. Và như ông Bond mỉa mai: “Nông dân Pháp bao nhiêu lần đã ủng hộ tự do thương mại toàn cầu? Họ còn dễ châm lửa đốt phản đối hơn là đồng ý”.
Viễn cảnh xa vời
Cuối cùng, việc “bật đèn xanh” cho Canada có thể khiến các quốc gia đã chờ đợi nhiều thập kỷ như Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bất mãn.
“Trong ngắn hạn, điều này không khả thi, xét đến quy trình, tình trạng của EU hiện tại và chính sách mở rộng”, bà Bosse kết luận.
Thay vào đó, Canada có thể tập trung củng cố Hiệp định đối tác kinh tế với EU. Trên thực tế, Thủ tướng mới đắc cử Mark Carney đã thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Pháp ngày 17/3 nhằm thảo luận với Tổng thống Macron về việc tăng cường hợp tác kinh tế, quốc phòng và thương mại.
Tuy nhiên, ông Carney có thể đã mắc một sai lầm chiến lược khi phát biểu rằng Canada là “quốc gia không thuộc châu Âu nhưng mang bản sắc châu Âu rõ nét nhất”. Nếu Brussels đang lắng nghe, tuyên bố đó có thể phản tác dụng — nếu Canada thực sự nộp đơn gia nhập EU trong tương lai.
Theo Politico