Không ai còn xa lạ với việc iPhone là một trong những dòng điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới. Mỗi năm, Apple bán ra hơn 200 triệu thiết bị, chiếm lĩnh một thị phần khổng lồ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc: iPhone được sản xuất ở đâu? Làm thế nào các linh kiện rải rác khắp thế giới lại có thể kết hợp chính xác để tạo nên một sản phẩm công nghệ toàn năng như vậy?

Mặc dù mỗi chiếc iPhone đều in dòng chữ “Made in China”, nhưng thực tế nguồn gốc của các linh kiện lại rất đa dạng.
Chẳng hạn, màn hình iPhone được sản xuất bởi Samsung hoặc LG tại Hàn Quốc. Bộ nhớ flash và DRAM có thể đến từ các nhà máy của Kioxia tại Nhật Bản, trong khi kính cường lực Gorilla Glass được Corning sản xuất tại Mỹ hoặc Nhật Bản. Ngay cả chip A18 Pro – “bộ não” của iPhone – cũng là sản phẩm thiết kế tại California nhưng sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) bởi công ty TSMC.
Ngoài ra, nhiều linh kiện quan trọng khác như IC quản lý nguồn, vi điều khiển USB, chipset không dây hay trình điều khiển OLED cũng được Apple mua từ các nhà cung cấp lớn như Broadcom, Texas Instruments, cùng nhiều đối tác quy mô nhỏ khác tại Đông Nam Á. Để tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, Apple thậm chí còn chủ động tìm kiếm nguồn coban thô trực tiếp từ thợ mỏ ở nhiều quốc gia.
Khi các linh kiện được sản xuất hoàn chỉnh, công đoạn lắp ráp bắt đầu. Trước đây, tất cả các iPhone đều được lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc, điển hình là tổ hợp Foxconn tại Trịnh Châu với hơn 300.000 công nhân – nơi mỗi ngày có thể xuất xưởng hơn nửa triệu chiếc điện thoại.
Tuy nhiên, trước những biến động thương mại toàn cầu và chính sách thuế quan mới, Apple đã dần chuyển dịch một phần hoạt động lắp ráp sang các quốc gia khác, điển hình là Ấn Độ và Việt Nam.
Apple không phải công ty duy nhất thực hiện chiến lược này; Samsung và Xiaomi cũng đã thành công khi đưa nhà máy sản xuất chủ lực ra khỏi Trung Quốc, hướng tới các nước châu Á khác.
Vì sao Apple chọn Việt Nam?
Theo Android Authority, Việt Nam đặc biệt có lợi thế nhờ vị trí địa lý gần với các trung tâm chuỗi cung ứng của Apple như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do tại châu Á và có nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh mẽ.
Thực tế, Apple đã từng hợp tác sản xuất các phụ kiện như EarPods và module camera iPhone tại Việt Nam, với các đối tác gia công như LG Innotek.
Từ năm 2020, Apple bắt đầu đẩy mạnh lắp ráp AirPods tại Việt Nam, sau đó mở rộng sang sản xuất iPad, MacBook và Apple Watch. Các đối tác chính hỗ trợ Apple trong chiến lược này gồm Foxconn, Pegatron và Wistron.

Tính đến đầu năm 2022, Apple đã lắp ráp tại 11 nhà máy khác nhau tại Việt Nam, bao gồm dự án nhà máy 270 triệu USD của Foxconn tại Bắc Giang, với năng lực sản xuất khoảng 8 triệu máy tính và tablet mỗi năm.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2024, CEO Tim Cook tuyên bố Apple sẽ tăng cường đầu tư, nâng tổng giá trị đầu tư lên 15,84 tỷ USD kể từ khi gia nhập thị trường.
Mặc dù phần lớn sản phẩm của Apple hiện vẫn được sản xuất tại Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển đang diễn ra rõ rệt. Các đối tác như Foxconn mở rộng tại Ấn Độ, trong khi Luxshare xây dựng cơ sở mới tại Việt Nam.
Năm 2024, Luxshare công bố sẽ sản xuất Apple Watch tại khu công nghiệp ở Việt Nam trị giá 150 triệu USD, với 22.000 nhân viên.
Theo một báo cáo từ JPMorgan, tốc độ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc nhanh hơn dự kiến. Dự kiến đến năm 2025, Apple sẽ chuyển khoảng 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ và 65% sản lượng AirPods sang Việt Nam. Các dòng sản phẩm khác như iPad, MacBook và Apple Watch cũng đang được lên kế hoạch mở rộng lắp ráp bên ngoài Trung Quốc.
Đặc biệt, Apple hiện đã sản xuất toàn bộ dòng iPhone 16 – kể cả các mẫu Pro cao cấp – ngay tại Ấn Độ, cho thấy chiến lược mới của Tim Cook trong việc phân tán rủi ro sản xuất đang phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thế giới đối mặt với những bất ổn địa chính trị và thương mại ngày càng gia tăng.
>> Bất mãn với ông Trump, Canada sẽ gia nhập EU?