spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi 44 tỷ USD...

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi 44 tỷ USD cho giáo dục nhưng nhiều trường chỉ có đúng một nhà vệ sinh, Tổng thống chỉ đạo khẩn

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đặt câu hỏi về việc ngân sách có đến đúng nơi không và cảnh báo nguy cơ tham nhũng ở “xứ sở vạn đảo”.

Hôm thứ Sáu (2/5) vừa qua, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tiết lộ rằng Chính phủ nước này đã phân bổ một ngân sách kỷ lục cho giáo dục, nhưng số tiền đó không đến được đúng nơi cần đến khi mà một số trường học vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, học sinh thậm chí phải chia nhau sử dụng một nhà vệ sinh duy nhất.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi 44 tỷ USD cho giáo dục nhưng nhiều trường chỉ có đúng một nhà vệ sinh, Tổng thống chỉ đạo khẩn - ảnh 1
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto có bài phát biểu nhân Ngày Giáo dục Quốc gia tại một trường tiểu học ở Bogor vào ngày 2/5/2025 – Ảnh: Antara/Arif Firmansyah

>> 2.000 người trúng tuyển thi công chức nhưng từ chối nhận việc, chuyện gì xảy ra?

Đáng chú ý, ngày 2/5 cũng là Ngày Giáo dục Quốc gia ở Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Đất nước bao gồm hơn 17.000 hòn đảo này cũng đang nỗ lực cải thiện nguồn nhân lực, trong đó có chương trình bữa ăn giàu dinh dưỡng trị giá hàng tỷ USD.

Chương trình giảng dạy của Indonesia cũng liên tục thay đổi với hy vọng cuối cùng sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác mà đất nước đông dân thứ tư trên thế giới (hơn 285 triệu người) cần chú ý, đặc biệt là tình trạng cơ sở vật chất và hạ tầng trường học.

Trong bài phát biểu nhân Ngày Giáo dục Quốc gia, Tổng thống Indonesia Prabowo cho biết có vô số trường học trên khắp đất nước này đang trong tình trạng tồi tệ, bất chấp ngân sách giáo dục khổng lồ.

Đối với năm tài khóa 2025, Indonesia đã dành ra 724,3 nghìn tỷ rupiah (gần 44 tỷ USD) cho lĩnh vực giáo dục. 665 nghìn tỷ rupiah (hơn 40 tỷ USD) được phân bổ cho giáo dục vào năm 2024. Trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Indonesia luôn dành khoảng 20% ngân sách quốc gia hàng năm cho giáo dục, theo quy định của Hiến pháp. Một phần số tiền này được sử dụng để cải tạo và nâng cấp trường học.

“Ngân sách giáo dục hiện nay là cao nhất trong lịch sử Indonesia, chiếm khoảng 22% ngân sách quốc gia. Giáo dục sẽ quyết định liệu Indonesia có trở thành một quốc gia nghèo khổ hay phát triển thành một đất nước có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, Tổng thống Prabowo phát biểu tại một trường tiểu học ở thành phố Bogor, tỉnh Tây Java, Indonesia hôm 2/5.

“Nhưng chúng ta hãy tự hỏi, tất cả số tiền đó trong suốt những năm qua đã thực sự được chuyển đến đúng “địa chỉ” chưa? Nhiều trường học vẫn hư hỏng nặng, mặc dù chúng ta biết ngân sách sửa chữa đã có. Và tại sao lại một số trường chỉ có một nhà vệ sinh?”.

Ông Prabowo ám chỉ rằng có thể số tiền đó đã bị thất thoát do tham nhũng và kêu gọi các quan chức Chính phủ đảm bảo ngân sách được sử dụng đúng mục đích, cụ thể là cho việc cải tạo trường học. Indonesia từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng tham nhũng ăn sâu. Đất nước có diện tích lớn nhất Đông Nam Á chỉ đạt 37 điểm trên tổng số 100 trong Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng năm 2024 (0 là cực kỳ tham nhũng, 100 là rất trong sạch).

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi 44 tỷ USD cho giáo dục nhưng nhiều trường chỉ có đúng một nhà vệ sinh, Tổng thống chỉ đạo khẩn - ảnh 2
Một học sinh đi ngang qua tòa nhà xuống cấp của trường trung học cơ sở bị hư hại ở tỉnh Banten, Indonesia vào ngày 28/4/2025 – Ảnh Antara/Angga Budhiyanto

Chính phủ “xứ sở vạn đảo” dự định chi khoảng 16,9 nghìn tỷ rupiah (hơn 1 tỷ USD) cho việc sửa chữa trường học chỉ riêng trong năm nay. Ông Prabowo thừa nhận rằng con số này là chưa đủ nếu Indonesia muốn cải tạo toàn bộ các trường học.

“Chà, 16-17 nghìn tỷ rupiah là không đủ. Con số đó chỉ đủ để cải tạo 11.000 trường học. Mà Indonesia, nếu tôi nhớ không nhầm, có khoảng 330.000 trường. Như vậy, chúng ta sẽ mất 30 năm để cải tạo toàn bộ các trường học trên cả nước”, vị nguyên thủ quốc gia này nói.

Ông Prabowo một lần nữa yêu cầu Chính phủ tiếp tục cắt giảm chi tiêu cho những khoản không thiết yếu, liên quan đến chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã được áp dụng từ đầu năm nay. Nhờ vậy, công việc sửa chữa có thể được tiến hành sớm hơn.

“Tôi sẽ luôn nhắc nhở các quan chức của mình làm hết sức để phục vụ nhân dân. Các bạn được Nhà nước trả lương, vì vậy hãy sử dụng tiền của người dân để phục vụ chính họ. Đừng biển thủ ngân sách bằng đủ loại lý do”, vị tướng quân đội về hưu nói.

Theo Jakarta Globe

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật