spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhThấy gì từ việc lãi suất huy động nhen nhóm tăng?

Thấy gì từ việc lãi suất huy động nhen nhóm tăng?

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thì một số ngân hàng lại điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nên mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại vẫn giữ nguyên trong ngắn hạn, dư địa giảm không còn lớn.

Xuất hiện nhà băng tăng lãi suất

Kể từ sau ngày 25/2 đến nay đã có 28 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động . Cụ thể, Bac A Bank tăng đồng loạt 0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng và tăng thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 4%/năm, kỳ hạn 4 và 5 tháng lần lượt tăng lên 4,1% và 4,2%/năm.

Eximbank cũng điều chỉnh tăng 0,5%/năm với một số kỳ hạn, đưa mức lãi suất cao nhất lên 5,6%/năm. OCB đã tăng lãi suất huy động trực tuyến tại tất cả kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 4 tháng, mức lãi suất huy động tăng cao nhất là 0,75%/năm. GPBank có mức tăng cao nhất là 0,3%/năm. CIMB Bank ghi nhận mức lãi suất tăng cao nhất là 0,6%/năm.

Thấy gì từ việc lãi suất huy động nhen nhóm tăng?- Ảnh 1.

Lãi suất huy động nhen nhóm tăng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay?

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất huy động chỉ nhích nhẹ 0,08% so với đầu năm. Lãi suất huy động ghi nhận tăng so với đầu năm chủ yếu từ nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, nhưng đa số các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất kể từ sau chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước .

Lãi suất cho vay có chịu tác động?

So với mức lãi suất cho vay cách đây 3 – 4 năm, các ngân hàng hiện nay thấp hơn từ 2 – 4%, tương ứng tỷ lệ giảm từ 30 – 50% tùy theo nhà băng. Hiện mức cho vay bình quân các ngân hàng chỉ từ 6 – 7%/năm.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp đã tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng. Hết quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93%, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các ngân hàng triển khai thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng cho các ngành nghề. Mặc dù các biến động bên ngoài có thể làm giảm dư địa chính sách tiền tệ nới lỏng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khu vực sản xuất trong nước vẫn được ưu tiên.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới công bố, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trước những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan lên tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong nước ở các lĩnh vực đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng nội địa. Khi đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

“Trong ngắn hạn, khi áp lực tỷ giá chưa bị ảnh hưởng tiêu cực bởi vấn đề thuế quan, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được các ngân hàng triển khai với mức lãi suất vay ưu đãi cũng sẽ kéo mặt bằng chung lãi suất cho vay thấp hơn”, chuyên gia KBSV nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dư địa giảm lãi suất không còn lớn, bởi trong bối cảnh hiện tại buộc phải lựa chọn một trong hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hoặc ổn định tỷ giá. Bởi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên khoảng 16% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8%, việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một công cụ quan trọng, dù không phải duy nhất. Lãi suất thấp giúp kích thích nhu cầu vay vốn, qua đó tăng cường dòng tiền chảy vào khu vực kinh tế thực.

Tuy nhiên, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất đang dần thu hẹp trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do kim ngạch xuất khẩu suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ có thể vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá và đẩy đồng USD tăng so với VND.

Tuy nhiên, vấn đề lãi suất và thanh khoản chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể. Đại diện nhóm Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank nhận định, điều quan trọng là khả năng tiếp cận vốn thực tế của doanh nghiệp. Dù lãi suất có giảm và thanh khoản dồi dào, nhưng nếu doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, hiệu quả hỗ trợ nền kinh tế sẽ rất hạn chế.

Theo đó, cần giải quyết triệt để độ vênh giữa chính sách và thực tiễn tiếp cận vốn để có thể ổn định mặt bằng lãi suất trong dài hạn. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể yên tâm giải ngân, mở rộng đầu tư và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật