spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngừng nhập khẩu gạo,...

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngừng nhập khẩu gạo, chuyển sang tự cung tự cấp chỉ trong 5 tháng: Việt Nam sắp bị vượt mặt?

Lượng dự trữ gạo quốc gia của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã vượt mốc 3,5 triệu tấn. Đây được coi là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực của “xứ sở vạn đảo”.

Tính đến Chủ Nhật vừa qua (4/5), lượng dự trữ gạo quốc gia của Indonesia đã đạt cột mốc lịch sử, vượt mốc 3,5 triệu tấn – mức cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 trong suốt 57 năm qua, theo dữ liệu của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman ca ngợi thành tích này là một dấu mốc trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực của đất nước và là minh chứng cho sự tận tụy của nông dân cùng hiệu quả của các chính sách của Chính phủ có mục tiêu rõ ràng.

>> Tham vọng chấm dứt nhập khẩu gạo của nền kinh tế số 1 Đông Nam Á có thể gây ra nạn phá rừng lớn nhất thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngừng nhập khẩu gạo, chuyển sang tự cung tự cấp chỉ trong 5 tháng: Việt Nam sắp bị vượt mặt? - ảnh 1
Công nhân mang những bao gạo tại kho của Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Bulog) ở Medan vào ngày 24/7/2024 – Ảnh: Antara/Yudi Manar

“Đây là lần đầu tiên trong 57 năm, lượng dự trữ gạo của Chính phủ vượt ngưỡng 3,5 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5”, Bộ trưởng Amran phát biểu tại Thủ đô Jakarta, Indonesia.

Không chỉ lập kỷ lục về lượng dự trữ gạo trong giai đoạn 5 tháng đầu năm này, tốc độ tích trữ của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2025 cũng phá vỡ các kỷ lục lịch sử. Khởi điểm ở mức 1,7 triệu tấn vào tháng 1 (lượng tồn kho từ năm trước), kho dự trữ đã tăng thêm 1,8 triệu tấn chỉ trong vòng 4 tháng khi “xứ sở vạn đảo” hoàn toàn không cần nhập khẩu.

Theo dữ liệu lịch sử do Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Bulog) lưu giữ kể từ khi được thành lập năm 1969 dưới thời Tổng thống Suharto, đây là lượng dự trữ cao nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5.

“Con số này vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 6 năm 1997 là 3.029.049 tấn, trở thành mức cao nhất trong lịch sử cho cùng kỳ”, ông Amran nhấn mạnh.

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD?

Hoạt động thu mua gạo từ nông dân của Bulog cũng đạt kết quả ấn tượng, với 1,06 triệu tấn được thu mua chỉ trong tháng 4 năm 2025. Từ tháng 1 đến đầu tháng 5 năm nay, cơ quan này đã mua tổng cộng 1,8 triệu tấn từ nông dân trong nước, cộng với 1,7 triệu tấn tồn kho chuyển tiếp, đưa tổng lượng dự trữ gạo quốc gia của Indonesia lên 3,5 triệu tấn.

Điều đặc biệt quan trọng là toàn bộ lượng gạo dự trữ đều được thu mua trong nước, không có bất kỳ lô gạo nhập khẩu loại trung nào được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2025. Mức độ thu mua mạnh mẽ này vượt xa mức trung bình hàng năm của Bulog trong suốt 5 thập kỷ qua và đã khiến cơ quan này phải thuê thêm kho chứa với sức chứa lên tới 1,1 triệu tấn.

Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) dự báo sản lượng lúa quốc gia của Indonesia sẽ đạt 18,76 triệu tấn vào cuối tháng 6 năm 2025.

Củng cố thêm cho thành tích ấn tượng của ngành nông nghiệp Indonesia, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) gần đây cũng dự báo sản lượng gạo cả năm của Indonesia có thể đạt tới 34,6 triệu tấn.

Điều này sẽ giúp đất nước có hơn 17.000 hòn đảo vượt qua Thái Lan và Việt Nam để trở thành quốc gia sản xuất gạo lớn nhất Đông Nam Á, củng cố thêm vai trò của nước này như một trung tâm chiến lược về lương thực trong bối cảnh toàn cầu đang ngày càng lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn gạo từ Việt Nam, với tổng giá trị đạt khoảng 679 triệu USD. Điều này giúp “xứ sở vạn đảo” duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của nước ta trong năm ngoái.

Theo Jakarta Globe

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật