Aeon vừa công bố kế hoạch mở rộng số lượng đại siêu thị (SSM) và cửa hàng bách hóa tổng hợp (GMS) tại Việt Nam lên gấp 8 lần từ nay đến năm 2030, Nikkei Asia đưa tin. Với dân số trẻ và đông đảo, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản xem Việt Nam là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng ở nước ngoài.

Mới đây, vào tháng 1, Aeon đã khai trương một cửa hàng bách hóa tổng hợp có tên Aeon Xuân Thủy tại Hà Nội – nằm trong khu vực sôi động có nhiều văn phòng, trường học và gần ga tàu điện mới. Tòa nhà 4 tầng, trong đó ba tầng đầu kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, nội thất và quần áo. Ngay cả trong ngày thường, cửa hàng vẫn tấp nập khách hàng địa phương.
Khu vực thực phẩm chế biến sẵn tại đây có diện tích lên tới 1.620m2 – lớn hơn đáng kể so với mức trung bình tại các siêu thị Nhật, theo số liệu từ Hiệp hội Siêu thị Quốc gia Nhật Bản. Tầng 3 còn được bố trí khu ăn uống với 450 chỗ ngồi.
Aeon cũng đang đẩy mạnh mô hình “đại siêu thị” – mô hình kết hợp giữa siêu thị thực phẩm và GMS, có thêm khu ẩm thực và quầy mỹ phẩm. Các cửa hàng này cung cấp phong phú các món ăn chế biến sẵn như sushi, ramen, món chiên, cơm hộp, bánh mì…với phần lớn được làm ngay tại chỗ.
Tính đến cuối tháng 2, Aeon đã vận hành 12 cửa hàng GMS tại Việt Nam – bao gồm SSM riêng biệt và 36 siêu thị thực phẩm (bao gồm các cửa hàng Citimart do công ty con của Aeon điều hành).
“Để cạnh tranh với các đối thủ như Central (Thái Lan), chúng tôi cần hướng tới mục tiêu đạt 100 địa điểm GMS và SSM vào khoảng năm 2030”, ông Yasuyuki Furusawa, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam và là Chủ tịch Aeon Retail, khẳng định. Về các cửa hàng nhỏ như siêu thị thực phẩm, Aeon cũng đang cân nhắc mở rộng quy mô lên khoảng 200 điểm bán.
Không chỉ Aeon, các doanh nghiệp Nhật khác cũng đang nhắm tới thị trường bán lẻ đầy tiềm năng tại Việt Nam. Tập đoàn thương mại Sumitomo đặt mục tiêu mở rộng chuỗi siêu thị thực phẩm Fuji Mart – phát triển thông qua quan hệ đối tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam, từ 20 cửa hàng hiện tại lên 50 cửa hàng vào năm 2028. Mặc dù mới chỉ có vài điểm bán tính đến cuối năm 2023, FujiMart đã đẩy mạnh chiến lược mở rộng từ năm ngoái.
“Dù theo phong cách Nhật, nhưng chúng tôi nhắm đến người tiêu dùng Việt. Chúng tôi đang tạo khác biệt so với siêu thị nội địa bằng thực phẩm chế biến sẵn và các mặt hàng bánh”, đại diện FujiMart chia sẻ.

Theo dữ liệu từ Chính phủ Việt Nam, doanh số bán lẻ năm 2024 đã tăng 8%, đạt gần 4,92 triệu tỷ đồng (tương đương 190 tỷ USD). Tuy nhiên, các cửa hàng truyền thống và chợ vẫn chiếm tới 70–80% tổng doanh số, mở ra dư địa lớn cho các chuỗi siêu thị hiện đại phát triển.
Mặc dù vậy, thị trường nội địa cũng không kém phần sôi động. Tập đoàn Masan hiện sở hữu khoảng 3.800 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, với kế hoạch mở thêm 1.000 điểm bán mỗi năm, chủ yếu là chuỗi WinMart+. Tập đoàn Central (Thái Lan) cũng đang tăng tốc mở rộng tại các vùng nông thôn Việt Nam.
Theo số liệu của Aeon, thực phẩm chế biến sẵn và các mặt hàng bánh mỳ chiếm 13% tổng doanh số thực phẩm tại các cửa hàng Nhật Bản, nhưng ở Việt Nam, con số này lên tới 20%. Riêng cửa hàng Aeon Xuân Thủy, từ khi khai trương đến đầu tháng 3, nhóm hàng này chiếm gần 30% tổng doanh số.
“Đi mua sắm cùng gia đình, mỗi người chọn món mình thích rồi cùng ngồi lại thưởng thức – đó là một hình thức giải trí phổ biến ở Việt Nam”, ông Furusawa nhận định.
Tham khảo Nikkei
>> Hai ông lớn Nhật Bản mua 40% cổ phần công ty con của FPT