spot_img
30 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpNhiều doanh nghiệp gửi hàng chục nghìn tỷ ở ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp gửi hàng chục nghìn tỷ ở ngân hàng

Bất chấp lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán vẫn gửi tiền tại ngân hàng như một phương án để đầu tư, tối ưu nguồn vốn.

Lãi suất huy động của các ngân hàng hiện không cao, quanh 4,5-6% một năm, đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, gửi tiền tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư an toàn nhất ít rủi ro.

Hàng quý, một số công ty có thể thu về hàng trăm tỷ đồng nhờ việc gửi ngân hàng. Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đang là doanh nghiệp trên sàn sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất cuối quý I/2025, ở mức hơn 39.600 tỷ đồng. Khoản mục này tăng khoảng 3.000 tỷ so với đầu năm. Đơn vị này đã thu về hơn 400 tỷ đồng nhờ việc gửi tiền trong quý đầu năm nay.

Viettel Global là công ty phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Doanh nghiệp này đang hiện diện tại 10 thị trường gồm Lào, Campuchia, Cameroon, Haiti, Myanmar, Mozambique, Peru, Tanzania, Đông Timo và Burundi.

Việc đầu tư ở nhiều nước khác nhau mang lại nhiều rủi ro cho Viettel Global như thua lỗ tỷ giá, bất ổn địa chính trị. Ví dụ, trong quý I/2025 công ty này lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng từ tỷ giá. Tuy nhiên, với việc có lượng lớn tiền gửi, doanh nghiệp này sẽ có nguồn thu hàng trăm tỷ đồng đều đặn mỗi quý.

Không chỉ Viettel Global, một số doanh nghiệp ghi nhận nguồn thu từ tiền gửi có đóng góp lớn vào lớn nhuận trong quý đầu năm nay, ví dụ Petrolimex hay Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Thậm chí, PV Oil có thể đã lỗ nếu không có tiền gửi.

Không chỉ để đầu tư, các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền lớn đem đi gửi còn với nhiều mục đích khác. Công ty cổ phần tập đoàn Hóa chất Đức Giang, một công ty trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, đem tiền đi gửi để vừa đầu tư vừa chuẩn bị cho những dự án lớn.

“Chúng tôi gửi lượng tiền lớn trong ngân hàng để chờ đợi đầu tư những ‘cú đấm thép’ tiềm năng, thay vì đầu tư trái phiếu, tiền ảo hay bất động sản theo xu hướng”, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch công ty nói trong phiên họp thường niên năm 2024. Đến năm nay, doanh nhân này lại khẳng định lại một lần nữa quan điểm này.

Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ nhiều công ty tài chính đã tư vấn cho ban lãnh đạo dùng tiền “nhàn rỗi” để mua trái phiếu, tiền ảo bất động sản với lợi suất hàng chục đến hàng trăm phần trăm. “Tuy nhiên, tôi đã không đồng ý với những kế hoạch đó vì sợ bị ‘bùng’. Chúng tôi được nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất 2% thì gửi tiền cũng có lãi tốt rồi”, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang chia sẻ.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Hóa chất Đức Giang có gần 11.300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm 66% tổng tài sản. Số tiền này mang về cho doanh nghiệp 134 tỷ đồng tiền lãi trong quý trước, tương ứng mỗi ngày thu về 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ riêng Hóa chất Đức Giang hay Viettel Global, nhiều công ty trên sàn cũng đang gửi hàng chục nghìn tỷ ở ngân hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn cũng đang thực hiện việc này như Vingroup, Hòa Phát, PV Gas, FPT, Vinamilk…

Chuẩn bị cho các dự án lớn cũng là nguyên nhân tập đoàn Hòa Phát đem tiền đi gửi ngân hàng. Tại phiên họp thường niên năm 2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch công ty này chia sẻ Hòa Phát sở hữu lượng tiền gửi lớn để làm nguồn vốn thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Tập đoàn này muốn cân bằng giữa tiền đi vay và vốn tự có, bởi theo ông Long, doanh nghiệp “lạm dụng” đòn bẩy tài chính có thể hứng chịu hậu quả lớn.

“Trên thương trường, mọi người cứ gọi Hoà Phát là ‘vua tiền mặt’, nhưng đó không phải là tiền dôi dư. Chúng tôi không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư hay ‘ôm’ bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch Hoà Phát nói.

Hòa Phát từng là “vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán trong nhiều năm, ví dụ năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, trong quý vừa qua, số tiền gửi và tiền mặt của tập đoàn này còn khoảng 23.600 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ sau một quý và giảm gần 11.000 tỷ sau một năm do triển khai dự án Dung Quất 2. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này sẽ sử dụng một nửa là vốn tự có, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo.

Còn từ góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết các doanh nghiệp đầu ngành duy trì lượng tiền gửi lớn để tối ưu nguồn vốn “nhàn rỗi”. Việc này giúp các công ty có thu nhập thụ động khi chưa có hoạt động đầu tư mới trong tương lai gần.

Ngoài ra, gửi tiền vào ngân hàng giúp doanh nghiệp phân tán rủi ro khi có nhiều biến số vĩ mô, ví dụ chính sách thuế quan của Mỹ. Ngoài ra, tiền gửi là một dạng “tài sản đảm bảo” cho các khoản vay tại ngân hàng. Chuyên gia lưu ý báo cáo tài chính thể hiện số liệu lượng tiền gửi tại một ngày cố định cuối mỗi quý nên việc đánh giá tình hình tài chính và dòng tiền chỉ mang tính chất tương đối.

Trọng Hiếu

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật