spot_img
22.5 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếMất trắng 750 triệu USD sau 3 tháng: Nông nghiệp Mỹ bắt...

Mất trắng 750 triệu USD sau 3 tháng: Nông nghiệp Mỹ bắt đầu ‘ngấm đòn’ thuế quan

Nông dân Mỹ đối mặt khó khăn khi thương mại toàn cầu xáo trộn và giá vật tư nông nghiệp tăng vọt xuất phát từ chính sách thuế đối ứng cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.

Các mức thuế do Tổng thống Donald Trump áp đặt đang gây xáo trộn thị trường nông sản, làm trì hoãn việc mua máy kéo và hạn chế nhập khẩu các loại hóa chất nông nghiệp vào Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đó là thông điệp chính từ các tập đoàn nông nghiệp lớn khi họ công bố báo cáo tài chính quý I năm 2025, cung cấp cái nhìn sơ bộ về tác động sâu rộng của cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ phát động.

Mất trắng 750 triệu USD sau 3 tháng: Nông nghiệp Mỹ bắt đầu 'ngấm đòn' thuế quan - ảnh 1
Những người nông dân thu hoạch rau diếp ở thành phố Brawley, bang California vào ngày 10/12. Nền kinh tế nông nghiệp Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi chính thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Sandy Huffaker/Getty Images

>> Điều chưa từng xảy ra với Mỹ và Trung Quốc kể từ thời đại dịch

Sự gián đoạn trong thương mại toàn cầu đang đe dọa kéo dài thêm tình trạng suy thoái nhiều năm qua của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi tình trạng dư cung, giá nông sản thấp và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Brazil. Việc thiếu rõ ràng về cách chính quyền của ông Trump sẽ xử lý các chính sách hỗ trợ nhiên liệu sinh học trong những năm tới càng làm gia tăng lo ngại.

Các công ty thương mại và chế biến nông sản là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tập đoàn Archer-Daniels-Midland Co. và Bunge Global SA đã chứng kiến lợi nhuận hoạt động hợp nhất giảm khoảng 750 triệu USD trong quý đầu tiên của năm nay, cả hai tập đoàn thực phẩm có trụ sở tại Mỹ này đều cho biết nguyên nhân đến từ bất ổn thương mại và chính sách nhiên liệu sinh học.

Theo công ty thương mại nông sản Andersons, các nhà nhập khẩu đã trì hoãn việc mua ngũ cốc và hạt có dầu của Mỹ do ông Trump đe dọa áp thuế, cũng như áp dụng các khoản thu bổ sung đối với các tàu Trung Quốc cập cảng Hoa Kỳ, làm giảm dòng chảy thương mại.

“Bất ổn thương mại toàn cầu đã làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc thông thường và khiến nhiều khách hàng thương mại của chúng tôi tập trung vào việc mua hàng theo phương thức vừa đủ dùng” – Giám đốc điều hành William Krueger của Andersons nói trong cuộc gọi với các nhà đầu tư hôm thứ Tư (7/5) vừa qua.

Các hãng sản xuất máy kéo như CNH Industrial NV và AGCO Corp. cũng báo cáo doanh số quý đầu tiên giảm và cảnh báo về khả năng nhu cầu từ phía nông dân suy yếu. Điều này có thể khiến họ có ít ngân sách hơn để đầu tư vào máy móc phục vụ việc gieo trồng, thu hoạch và xử lý ruộng đất. Cả hai công ty kể trên đã tăng giá bán để bù đắp tác động chi phí từ thuế quan.

“Bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại gần đây đã làm suy giảm tâm lý của nông dân Mỹ. Do đó, nhu cầu về máy móc trong quý này thấp hơn dự đoán của chúng tôi”, Giám đốc điều hành AGCO, ông Eric Hansotia nói trong cuộc họp với các nhà phân tích.

Mất trắng 750 triệu USD sau 3 tháng: Nông nghiệp Mỹ bắt đầu 'ngấm đòn' thuế quan - ảnh 2
Chính sách thuế đối ứng của ông Trump khiến căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng – Ảnh: Saul Loeb/Agence France-Presse

Các khoản thuế cũng đe dọa làm giảm lượng nhập khẩu một số loại phân bón và thuốc trừ sâu. Tập đoàn Mosaic cho biết lượng phân lân – một thành phần thiết yếu trong việc nuôi dưỡng cây trồng nhập khẩu vào Mỹ đã giảm so với năm ngoái do các tàu hàng chuyển hướng sang các nước khác để tránh mức thuế 10% của Mỹ.

“Thị trường phân lân hiện đang căng thẳng và trong khi thuế quan có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại, chúng không thể tạo thêm nguồn cung phân lân” – Giám đốc điều hành (CEO) Bruce Bodine phát biểu trong cuộc họp với các nhà đầu tư.

Nông dân được dự báo sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho thuốc trừ sâu khi Mỹ vẫn phụ thuộc vào các nước bị đánh thuế như Trung Quốc và Ấn Độ để nhập khẩu một số nguyên liệu. Công ty Nutrien Ltd. cho biết các sản phẩm mang thương hiệu của họ có thể tăng giá tới 7,5%, trong khi các thành phần thuốc trừ sâu phổ thông có thể tăng giá thậm chí cao hơn.

“Tóm lại là chúng tôi sẽ chứng kiến giá tăng. Kế hoạch của chúng tôi là chuyển chi phí tăng đó cho khách hàng” – Jeff Tarsi, Chủ tịch bộ phận bán lẻ toàn cầu của Nutrien nói trong cuộc gọi hôm thứ Năm (8/5).

>> Tại sao Trung Quốc không vội vàng tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Mỹ?

Brazil đang nổi lên như một bên được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại toàn cầu. Tập đoàn Minerva SA cho biết sự hỗn loạn do thuế quan gây ra đã thúc đẩy nhu cầu từ Trung Quốc và làm tăng giá xuất khẩu thịt bò Nam Mỹ trong quý đầu tiên của năm nay, giúp tăng lợi nhuận cho nhà cung cấp Brazil này. Trong khi đó, Trung Quốc gần như đã đóng cửa thị trường đối với các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, bao gồm cả Smithfield Foods.

Trung Quốc – nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới đã chuyển sang mua đậu nành từ Brazil cho một phần đáng kể nhu cầu kể từ khi ông Trump bắt đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của mình.

“Bất kỳ tác động tiêu cực nào đến lợi nhuận của nông dân Hoa Kỳ do thuế quan và sự thay đổi dòng chảy thương mại đều có khả năng mang lại lợi ích cho nông dân Brazil” – bà Jenny Wang, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách thương mại của Mosaic phát biểu trong cuộc gọi với các nhà phân tích.

Theo Los Angeles Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật