Từ hợp tác tài chính truyền thống đến hành trình kiến tạo Hệ sinh thái tài chính toàn chuỗi nông nghiệp
Ngày 08/05/2025, AgriS và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), thiết lập mối quan hệ chiến lược với định hướng xây dựng hệ sinh thái tài chính – nông nghiệp số toàn diện. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ phối hợp triển khai các giải pháp tài chính cho toàn chuỗi giá trị nông nghiệp của AgriS, bao gồm các sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành cho Nông dân, Nhà cung cấp, Nhà phân phối, Khách hàng và các Bên liên quan khác. Hợp tác cũng sẽ bao gồm phát triển các phẩm tài chính hỗ trợ các mục tiêu ESG cụ thể, góp phần hiện thực hoá chiến lược tham gia chuỗi giá trị FBMC toàn cầu và cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của AgriS.
Các sản phẩm sẽ được thiết kế theo đặc thù ngành nông nghiệp, gắn liền với tiến độ mùa vụ, chú trọng đầu tư phát triển các sáng kiến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tối ưu hóa dòng tiền, từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ đến mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường năng lực cạnh tranh cho toàn bộ hệ sinh thái. Cụ thể hơn, AgriS và MB sẽ phối hợp triển khai các sản phẩm tín dụng ngắn hạn, giải ngân tự động, bán tự động cho nông dân đầu tư vật tư, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển mía nguyên liệu; tài trợ tín dụng trung dài hạn cho hoạt động mua sắm máy móc thiết bị, thuê đất và phát triển hạ tầng; và xây dựng chính sách cấp tín dụng đến các điểm bán (outlet). Đối với các đối tác nhà cung cấp, nhà phân phối, AgriS và MB sẽ cung cấp các giải pháp tài trợ tài chính thông qua phương thức bao thanh toán, cấp hạn mức tín dụng và giải ngân tự động/bán tự động trên nền tảng số hóa tích hợp.
Trước đó, AgriS đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều định chế tài chính lớn trong nước và quốc tế. Tháng 10/2024, AgriS đã huy động thành công 42 triệu USD từ hai tổ chức tài chính Châu Âu – SACE (Ý) và ING (Hà Lan). Đến tháng 2/2025 tại Hà Nội, doanh nghiệp tiếp tục ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2025 – 2030 với Ngân hàng BIDV, nhằm xây dựng nền tảng kết nối tài chính bền vững, gia tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi nông nghiệp. Đầu tháng 5, AgriS hoàn tất thêm một thương vụ huy động vốn với UOB Venture Management, phục vụ cho chiến lược phát triển mới giai đoạn mới. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, AgriS đã trở thành trung tâm kết nối nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước, hình thành mạng lưới liên minh chiến lược, cùng chung tay kiến tạo một giai đoạn phát triển mới cho tài chính nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

AgriS liên tục thiết lập mối quan hệ chiến lược với hàng loạt các Định chế tài chính hàng đầu, kiến tạo hệ sinh thái tài chính nông nghiệp bền vững
Ba trụ cột chiến lược định hình nên hệ sinh thái tài chính nông nghiệp của AgriS
Lý giải cho vị thế là điểm đến hàng đầu của các định chế tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững là chiến lược xây dựng hệ sinh thái tài chính nông nghiệp bài bản của AgriS với 3 trụ cột chính.
Công nghệ số: AgriS đã sớm tiên phong ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất nông nghiệp bao gồm smart farming, blockchain truy xuất nguồn gốc, AI trong phân tích canh tác và IoT trong giám sát nông trường. Những công nghệ này là nền tảng để AgriS số hóa toàn bộ quy trình sản xuất từ đầu vào (giống, vật tư, phân bón) đến đầu ra (vận chuyển, phân phối, tiêu dùng), nâng cao năng suất sản xuất và hiệu quả sử dụng vốn.

AgriS sử dụng ảnh vệ tinh để quản lý, thu thập hình ảnh đồng ruộng đưa ra đánh giá và phân tích tình hình sinh trưởng mía (Nguồn: Báo cáo thường niên AgriS Niên độ 2023-2024)
Dữ liệu và phân tích: Từ nền tảng hệ thống được vận hành số hóa toàn diện và lợi thế về quy mô sản xuất, AgriS đã thiết lập được cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) bao phủ toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu dùng trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Những dữ liệu này không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho việc phân tích và ra quyết định đầu tư, mà còn giúp tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. Từ đó, AgriS có thể phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại hiệu quả thực tiễn cao nhất.
Tài chính chuỗi: Dựa trên nền tảng công nghệ số và hệ thống dữ liệu phân tích, AgriS đã phát triển mô hình tài chính chuỗi giá trị nông nghiệp, phối hợp cùng các đối tác tài chính để thiết kế các gói tín dụng phù hợp với từng giai đoạn sản xuất. Mô hình này cho phép kiểm soát dòng vốn theo thời gian thực, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Qua đó, các bên liên quan trong chuỗi giá trị của AgriS có thể tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng, linh hoạt và đa dạng hơn, thay vì phụ thuộc vào tài sản thế chấp truyền thống.

AgriS giữ vai trò hạt nhân kết nối các bên liên quan trong chuỗi giá trị, đảm bảo mỗi mắt xích đều được phát huy tối đa khả năng và thụ hưởng lợi ích một cách bền vững
Hướng tới một kỷ nguyên mới của Tài chính nông nghiệp Việt Nam
Hợp tác chiến lược giữa AgriS và các Định chế tài chính đã khẳng định năng lực kết nối đa lĩnh vực của AgriS. AgriS hiện đang kiến tạo một hạ tầng tài chính nông nghiệp đa phương, kết nối toàn bộ chuỗi giá trị với quy mô ~ 30.000 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng trong tương lai. Thông qua đó, AgriS mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị, cải thiện năng lực tài chính và khả năng tự chủ của từng mắt xích. Xa hơn, những sự cộng hưởng này đang thúc đẩy tái cấu trúc hệ sinh thái nông nghiệp theo hướng hiện đại, minh bạch, bền vững, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.