spot_img
20.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngiPhone ngày càng nhàm chán, Apple mất chỗ đứng tại Trung Quốc

iPhone ngày càng nhàm chán, Apple mất chỗ đứng tại Trung Quốc

Những cải tiến nhỏ giọt trên iPhone liệu có đủ sức giữ chân người dùng khi các đối thủ đang bứt phá?

Trong bản tin Power On mới nhất từ Bloomberg, chuyên gia công nghệ Mark Gurman thẳng thắn chỉ ra rằng Apple đang phải trả giá cho sự bảo thủ. Doanh số iPhone đã giảm xuống dưới đỉnh cao năm 2023, còn Apple Watch chứng kiến doanh thu sụt giảm tới 14% trong năm qua. Dẫu rằng những con số này vẫn cao hơn đáng kể so với phần còn lại của thị trường, rõ ràng “chiến lược nâng cấp nhỏ giọt” mà Apple theo đuổi đang dần mất đi phép màu từng giúp hãng này thống trị thế giới di động.

Trên thực tế, Apple phần nào đang tự làm khó chính mình. Từ sau mẫu iPhone X gây chấn động vào năm 2017, hãng chỉ tung ra các phiên bản lặp lại thận trọng thay vì những thiết kế thực sự đột phá. Ngay cả màn ra mắt mờ nhạt của kính thực tế ảo Vision Pro cũng chứng minh thêm một lần nữa sự e dè này. Người dùng giờ đây đang ngày càng giữ thiết bị lâu hơn, trong khi các tính năng nổi bật như trí tuệ nhân tạo Apple Intelligence, pin dung lượng lớn hay cải tiến nhẹ về camera thường xuất hiện chậm trễ và hạn chế về mặt thị trường, khiến chúng thiếu sức hút ngay từ đầu.

iPhone ngày càng nhàm chán, Apple mất chỗ đứng tại Trung Quốc- Ảnh 1.

Kể từ sau iPhone X, Apple chỉ tung ra những bản cập nhật lặp lại. Ảnh: Ars Technica

Tuy nhiên, áp lực lớn nhất có lẽ đến từ bên ngoài. Tại thị trường Trung Quốc, điện thoại màn hình gập đang có tốc độ tăng trưởng gấp ba lần smartphone thông thường. Huawei, Xiaomi và Honor nắm bắt cơ hội này bằng các sản phẩm đời thứ hai với bản lề linh hoạt và màn hình sáng hơn rõ rệt, bắt đầu chinh phục khách hàng tại châu Âu và Đông Nam Á. Trong khi đó, mẫu iPhone 16 vừa ra mắt gần như chẳng khác gì các thế hệ trước. Nếu kết hợp thêm sức ép từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ sắp tới, biên lợi nhuận vốn dĩ an toàn của Apple sẽ càng bị thu hẹp.

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng là mối đe dọa khó lường. Gurman chỉ ra rằng, lần đầu tiên sau 22 năm, lượng tìm kiếm Google trên các thiết bị Apple giảm sút vì người dùng chuyển sang các chatbot như ChatGPT và Perplexity. Điều này đe dọa trực tiếp dòng doanh thu khoảng 20 tỷ USD mỗi năm từ bản quyền tìm kiếm, vốn là trụ cột quan trọng trong chiến lược dịch vụ của Apple, đồng thời cho thấy một giao diện mới có thể thay đổi cục diện nhanh đến thế nào.

iPhone ngày càng nhàm chán, Apple mất chỗ đứng tại Trung Quốc- Ảnh 2.

Apple cũng đang khó khăn trong việc đón đầu cơn sốt AI hiện nay. Ảnh: Tom’s Guide

Trong phiên điều trần chống độc quyền gần đây, Eddy Cue, người đứng đầu mảng dịch vụ của Apple, đã thốt lên lời cảnh báo đáng chú ý: “Có thể 10 năm nữa, bạn sẽ không còn cần đến iPhone.” Gurman cho rằng đây không chỉ là một chiến thuật trước tòa, mà còn thể hiện sự lo âu có thật từ nội bộ Apple.

Hiện tại, Apple vẫn chưa có lời giải rõ ràng nào cho xu hướng điện thoại gập, chưa mạnh tay nâng cấp Siri bằng các mô hình trí tuệ nhân tạo cỡ lớn, và các sản phẩm thực sự đột phá như kính thông minh hay robot gia đình thì vẫn còn cách xa khoảng 2-3 năm nữa. Gurman kết luận đầy quyết liệt: nếu cỗ máy sáng tạo của Apple không sớm thoát khỏi trạng thái ì ạch, thì chẳng mấy chốc những đối thủ nhanh nhẹn hơn sẽ dễ dàng chiếm lấy vị trí dẫn đầu trong làn sóng công nghệ tiếp theo. Đây cũng là nhận định tôi hoàn toàn đồng tình, và chắc chắn không ít người dùng trung thành của Apple cũng sẽ cảm thấy như vậy.

Theo Bloomberg

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật