Vietcombank Securities (VCBS) đã công bố báo cáo phân tích doanh nghiệp, đánh giá triển vọng của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC).
Về tổng quan ngành, theo VCBS, cơ cấu ngành chăn nuôi đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang phía các doanh nghiệp. Tính đến quý I/2025, doanh nghiệp chiếm 65% thị phần, tăng 14 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.
VCBS dự báo, thị phần của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tiếp tục giảm, xuống còn khoảng 25% vào năm 2030.
![]() |
Cơ cấu thị phần ngành chăn nuôi. Nguồn: VCBS |
>> Đại gia chăn nuôi tại Long An bất ngờ báo lãi 2.100 tỷ đồng
Mặc dù quy mô đàn heo cả nước được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2025, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Giá heo hơi vì vậy được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm nay. Diễn biến này sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Dabaco trong năm 2025.
VCBS vẫn giữ nguyên dự báo giá ngũ cốc sẽ tăng nhẹ trong năm 2025, gây áp lực lên chi phí đầu vào. Tuy nhiên, nhờ giá heo hơi tiếp tục xu hướng tăng, biên lợi nhuận (BLN) của các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Biên lợi nhuận mảng chăn nuôi của Dabaco dự báo đạt 20%, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Ngày 29/3/2025, Dabaco tổ chức lễ khánh thành nhà máy Dacovet và công bố thương mại hóa vaccine dịch tả lợn châu Phi mang tên Dacovac-ASF2. Bên cạnh việc tiêm phòng cho đàn heo nội bộ, Dabaco đang xúc tiến thử nghiệm vaccine này tại thị trường Philippines.
Giá bán vaccine được ấn định ở mức 59.000–60.000 đồng/liều. Với công suất ban đầu đạt 16% công suất thiết kế, Dabaco dự kiến sử dụng 2,4 triệu liều cho nội bộ và phần còn lại được bán thương mại. Qua đó, doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu khoảng 1.888 tỷ đồng và lợi nhuận 94,4 tỷ đồng từ mảng vaccine trong năm 2025.
Từ năm 2025 đến 2030, Dabaco đặt mục tiêu xây dựng thêm 6 trang trại với quy mô từ 2.800-6.200 nái và 35.000-45.000 lợn thịt/trại. Tổng đàn nái dự kiến được nâng từ 60.000 lên 80.000 con vào năm 2027.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch xây dựng thêm nhà máy TACN tại Hà Tĩnh và Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Lạc Vệ (Bắc Ninh), nhằm đảm bảo nguồn thức ăn và năng lực phòng dịch. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này ước tính khoảng 4.606 tỷ đồng.
Trong năm 2025, tổng đàn nái của Dabaco được giữ nguyên ở mức 60.000 con do ảnh hưởng từ việc giải tỏa một số trại liên kết với nông dân để tuân thủ Luật Chăn nuôi. Dabaco sẽ đẩy mạnh xây dựng các trại mới nhằm bù đắp sự thiếu hụt này.
![]() |
Dự phóng tổng đàn nái và doanh thu chăn nuôi của DBC. Nguồn: VCBS |
Biên lợi nhuận gộp của Dabaco trong năm 2025 được dự báo đạt 18,3% (tăng 4,1% yoy), nhờ các yếu tố như: Giá heo hơi bình quân tăng 18% so với cùng kỳ; mảng vaccine hoạt động hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí tiêu hủy đàn heo và gia tăng doanh thu từ hoạt động thương mại.
Tổng kết lại, VCBS dự báo, lợi nhuận sau thuế của Dabaco trong năm 2025 sẽ đạt 1.608 tỷ đồng, tăng mạnh 109%. Kết quả này đến từ sự duy trì đà tăng của giá heo hơi, chi phí TACN ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ trong nửa đầu năm, cùng với đóng góp tích cực từ mảng vaccine – một hướng đi chiến lược đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho Dabaco.
VCBS đưa ra mức giá khuyến nghị là 38.829 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 35,7% (mức giá hiện tại khoảng 28.600 đồng/cổ phiếu).
Ngày 10/5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh đã long trọng tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tập trung vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Tại sự kiện, Tập đoàn Dabaco đã trưng bày hai gian hàng triển lãm nhằm giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu cùng các thành tựu nghiên cứu và sản xuất hiện đang được ứng dụng tại hệ thống trang trại và nhà máy của tập đoàn.
Đáng chú ý, Dabaco là đơn vị đầu tiên và duy nhất trình diễn giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăn nuôi gà nhân đạo theo mô hình Cage-Free. Sáng kiến này được xem là bước đột phá mang tính cách mạng, thể hiện tầm nhìn tiên phong cũng như chiến lược chủ động đón đầu xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị, Dabaco và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết Chương trình hợp tác chiến lược, đánh dấu cam kết đồng hành lâu dài trong tiến trình chuyển đổi của ngành đến năm 2030. Sự kiện không chỉ mở ra giai đoạn hợp tác công – tư sâu rộng hơn mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt của Dabaco trong việc hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước.
>> Thuế nhập khẩu về 0%: Cú hích cho ngành thức ăn chăn nuôi, Dabaco và Masan MEATLife hưởng lợi lớn