![]() |
Công trường một mỏ khai khoáng tại Việt Nam |
Sau khi tăng hơn 120% trong tháng 2/2025 lên vùng 23.000 đồng, cổ phiếu MSR của CTCP Masan High-Tech Materials hiện giao dịch quanh mức 17.300 đồng (kết phiên 13/5).
Tuy nhiên, Chứng khoán An Bình (ABS) vừa đưa MSR vào danh sách khuyến nghị tháng 5 với tiềm năng tăng giá lên tới 55,6%. Mức giá mục tiêu từ 24.000–34.000 đồng/cp, vùng mua đề xuất là 15.000–16.500 đồng, cắt lỗ tại 13.000 đồng.
MSR hiện sở hữu mỏ Núi Pháo – mỏ vonfram lớn thứ hai thế giới ngoài Trung Quốc và đang kiểm soát 30% nguồn cung vonfram toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc). Công ty có chuỗi giá trị khép kín từ khai thác, chế biến, đến cung ứng sản phẩm vonfram công nghệ cao cho khách hàng tại hơn 30 quốc gia trong đó 70% thuộc top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng như vonfram, bismut, molypden, MSR nổi lên như một lựa chọn thay thế chiến lược. Đồng thời, chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ (áp dụng từ tháng 4/2025) miễn hoàn toàn thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của MSR càng củng cố lợi thế cạnh tranh tại thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu.
Tuy nhiên, theo VDSC, mức hưởng lợi ngắn hạn còn hạn chế do MSR đã thoái vốn khỏi H.C. Starck – đơn vị chuyên chế biến vonfram trung/hạ nguồn. Hiện MSR vẫn tập trung vào khâu thượng nguồn, cần thêm thời gian và vốn đầu tư để mở rộng chuỗi giá trị.
Về chiến lược dài hạn, tại ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 4/2025, lãnh đạo MSR khẳng định sẽ tiếp tục tối ưu vận hành, cải thiện biên lợi nhuận, đẩy mạnh sáng tạo và tăng quy mô khai thác – nhằm định vị là doanh nghiệp khoáng sản công nghệ cao hàng đầu.
Việc đầu tư vào MSR được đánh giá phù hợp trong bối cảnh thị trường hàng hóa và kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, khi tài sản gắn liền với nguyên liệu chiến lược như vonfram trở thành kênh trú ẩn và đầu tư giá trị tiềm năng. Cổ phiếu này đang thu hút sự quan tâm không chỉ bởi chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu mà còn nhờ vị thế độc quyền ngày càng được củng cố nhờ diễn biến địa chính trị.