Ngày 14/5/2025, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới”.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD. Không chỉ mang tính biểu tượng về hạ tầng, đây còn được xem là một “phép thử” chiến lược đối với khu vực kinh tế tư nhân – thành phần được xác định là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Theo định hướng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ được khuyến khích mà còn được tạo điều kiện tham gia sâu rộng vào toàn bộ chuỗi giá trị của dự án, từ cung cấp vật liệu, thi công hạ tầng, sản xuất thiết bị đến vận hành và bảo trì hệ thống.
Trong bối cảnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cùng các đạo luật như Luật Doanh nghiệp và Luật Công nghệ cao đang được sửa đổi theo hướng hỗ trợ khu vực tư nhân, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt tiếp cận các nguồn lực, công nghệ và thị trường trong lĩnh vực đường sắt.
![]() |
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: Phạm Hưng) |
Tại tọa đàm, ông Hồ Đức An, Giám đốc Kỹ thuật CTCP FECON (HoSE: FCN) đã có chia sẻ về kế hoạch tham gia vào dự án đường sắt lớn nhất lịch sử này. Ông An cho biết: “Hơn một thập kỷ trước, khi các tuyến đường sắt đô thị bắt đầu được triển khai, FECON đã thành lập công ty thành viên chuyên trách mảng thi công hạ tầng đường sắt. Đồng thời, chúng tôi xây dựng chiến lược phát triển nhân lực bài bản: tuyển dụng chuyên gia từ Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cử kỹ sư Việt Nam tham gia trực tiếp các dự án cùng các tổng thầu quốc tế. Chúng tôi học từ công trường, không học trong sách”.
Nhờ sự chuẩn bị từ sớm, FECON đã tích lũy năng lực thi công ở nhiều lĩnh vực hạ tầng phức tạp như đường sắt đô thị, cảng biển, logistics, công nghiệp nặng và năng lượng. Doanh nghiệp không chỉ là nhà thầu chính mà còn đảm nhận vai trò tổng thầu trong nhiều gói thầu xây dựng nền móng, kết cấu và công trình kỹ thuật.
Theo ông An, với các cấu phần như nền đường, cầu, hầm, nhà ga và hệ thống kỹ thuật, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương 70 – 80% khối lượng xây dựng của dự án. Tuy nhiên, quy mô siêu dự án như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đòi hỏi năng lực tổ chức vượt trội, khả năng phối hợp chuỗi cung ứng liên vùng và tiếp cận công nghệ thi công hiện đại.
![]() |
Doanh nghiệp Việt đủ sức đảm nhận 80% khối lượng xây dựng tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam |
Để sẵn sàng cho “cuộc chơi lớn”, FECON đã triển khai 4 nhóm hành động chiến lược. Thứ nhất, tham gia xây dựng chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Thứ hai, chuẩn bị hệ thống nhà máy sửa chữa thiết bị và nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn. Thứ ba, cử cán bộ, kỹ sư ra nước ngoài học hỏi và tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu. Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế để nắm bắt yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường sắt tốc độ cao, đồng thời chuẩn bị cho việc tiếp nhận công nghệ thi công tiên tiến.
“Tham gia một dự án như đường sắt Bắc – Nam không chỉ là chuyện trúng thầu hay hoàn thành một gói việc. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt trưởng thành trong hệ sinh thái công nghiệp hạ tầng”, ông An nhấn mạnh.
Khi các rào cản kỹ thuật và vốn đang từng bước được tháo gỡ thông qua chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân, câu chuyện của FECON không chỉ thể hiện khát vọng của một doanh nghiệp đã “nuôi chí lớn”, mà còn là gợi ý cho nhiều doanh nghiệp nội khác: chuẩn bị từ sớm – đồng hành cùng công nghệ và đặt cược vào năng lực của chính mình.